Muốn tăng lương, ngân sách cần có 10.000 tỉ đồng

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) sáng 3-11, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, cho biết hiện có hai luồng ý kiến về tăng lương.







Thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng chưa thể có điều kiện tăng lương cơ bản mà chỉ đảm bảo được chế độ lương cho những người có mức lương dưới 2,34 theo nghị quyết trước đây của QH. Lần này Chính phủ có bổ sung thêm những trường hợp với người có mức lương hưu trước năm 1995 mà thu nhập dưới 2 triệu đồng và giáo viên mầm non sẽ được tính toán để họ đạt được mức lương cơ bản. Riêng đối tượng hưởng lương Nhà nước 2,34 trở lên rất khó khăn.

Theo ông Hiển, nếu Chính phủ muốn tăng lương cần phải tính nguồn từ đâu. Tuy nhiên, tình hình NSNN hiện rất khó khăn do giá dầu giảm bình quân 50 USD/thùng, hụt thu NSNN khoảng 61.000 tỉ đồng. Trong trường hợp NS trung ương có thể tăng bù vào thì vẫn hụt thu 31.000 tỉ đồng. Tình hình thu nội địa năm 2016 cũng gặp khó khăn do chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp theo lộ trình…

Ông Hiển cho rằng theo ý của Chính phủ sẽ trình QH xem xét đề nghị tăng lương vào kỳ họp thứ 11, khóa XIII diễn ra tháng 3-2016 với mức 5%. “Chính phủ muốn xem tình hình giá dầu thế giới thế nào, khả năng cân đối NSNN rồi mới trình ra QH. Tôi cho rằng đây là lộ trình tương đối chắc chắn” - ông Hiển chia sẻ.

Theo vị này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng nên áp dụng tăng lương từ 1-5 hoặc 1-7-2016. NSNN cần khoảng 10.000 tỉ đồng để tăng lương. Tuy nhiên, ông Hiển lại ủng hộ phương án để đến tháng 11-2016 mới điều chỉnh lương.

Để làm được điều này, ông Hiển kiến nghị giải pháp trước mắt là Chính phủ quyết liệt chỉ đạo địa phương và bộ, ngành phải tiết kiệm trong chi tiêu, xăng xe, điện nước, hội nghị để bố trí. “Lương và thu nhập luôn là vấn đề của cuộc sống và xã hội. Ai cũng muốn thu nhập cao hơn nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn, phải hết sức thận trọng. Nếu chưa cân đối được thì đừng nghĩ đến chuyện điều chỉnh lương. Ta có nhiều bài học của các nước rồi, chẳng hạn như Hy Lạp đưa ra thu nhập tiền lương phúc lợi trong khi thu thuế các thứ chưa được, tiến tới đổ vỡ, nợ công tăng, mất ổn định xã hội và gặp khó khăn hơn rất nhiều” - ông Hiển dẫn chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm