Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, theo Nghị quyết 109/2015 của Quốc hội (hướng dẫn thi hành BLHS 2015) vừa ban hành, kể từ ngày BLHS 2015 được công bố, đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 thì không thi hành và chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 quy định: Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Nộp lại tiền chưa đủ
Trước quy định của Nghị quyết 109/2015, nhiều người cho rằng nếu kịp thời khắc phục cơ bản thiệt hại đã gây ra cho Nhà nước, rất có thể Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu tổng giám đốc Vinalines), Vũ Quốc Hảo (nguyên tổng giám đốc ALC II) và những quan tham khác bị kết án tử về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đang chờ thi hành án sẽ được ân giảm xuống tù chung thân.
Việc chủ động khắc phục cơ bản hậu quả thiệt hại gây ra chỉ là một trong hai điều kiện để quan tham thoát án tử.Trong ảnh: Bị cáo Dương Chí Dũng tại tòa. Ảnh: CTV
Để làm rõ hơn thông tin này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Công Hồng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội). Ông Hồng khẳng định việc chủ động khắc phục cơ bản hậu quả thiệt hại gây ra chỉ là một trong hai điều kiện để quan tham thoát án tử. Muốn giữ mạng sống, tử tù về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ còn phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Điều này không phải là mới bởi trong vụ án ma túy Xiêng Phênh, ngay trước khi thi hành án, tử tù người Lào này đã khai ra một loạt đồng phạm và nhờ đó được ân giảm xuống tù chung thân.
Như vậy, bên cạnh việc khắc phục cơ bản thiệt hại, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Vũ Quốc Hảo còn phải được cơ quan chức năng đánh giá là “đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì mới thoát án tử.
Yêu cầu các tòa địa phương rà soát
Nghị quyết 109/2015 của Quốc hội còn quy định không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS 2015 đã bỏ hình phạt tử hình; đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những đối tượng này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Bảy tội danh mà BLHS 2015 đã bỏ hình phạt tử hình là cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch. Như vậy, với quy định trên của Nghị quyết 109/2915, những kẻ cướp bị kết án tử hình như Hồ Duy Trúc (tướng cướp khét tiếng chặt tay nạn nhân để cướp xe SH) sẽ không bị thi hành án tử hình mà được chuyển xuống hình phạt tù chung thân.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết: “Nghị quyết của Quốc hội đã quy định cụ thể như vậy có nghĩa là phải thực hiện ngay, các tòa địa phương phải khẩn trương rà soát, tổng hợp những trường hợp đủ điều kiện, báo cáo về TAND Tối cao để trình chánh án TAND Tối cao ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân”. Theo ông Sơn, TAND Tối cao đã nhắc nhở các tòa địa phương phải thực hiện ngay chỉ đạo trên. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, TAND Tối cao sẽ có hướng dẫn.
Theo luật, việc xem xét và ra quyết định thi hành án tử hình sẽ do chánh án TAND đã xét xử sơ thẩm thực hiện. Ở TP.HCM có các bị án tử hình như Vũ Quốc Hảo, Hồ Duy Trúc... thuộc trách nhiệm rà soát của TAND TP.HCM. Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Tòa Hình sự TAND TP.HCM và được cho biết Tòa Hình sự TAND TP.HCM cũng đang nghiên cứu, xem xét và sẽ có thông tin cụ thể sau. |