Bà Hải cho rằng tham nhũng vặt trong khu vực công đang hết sức nhức nhối, gây bức xúc cho người dân…
Theo bà Hải, ngoài những bức xúc về tham nhũng ở khu vực công, dự án lớn thì cử tri rất bức xúc với vấn đề tham nhũng vặt ở khối hành chính cấp cơ sở. “Tôi đọc trong báo cáo tổng kết 10 năm về phòng, chống tham nhũng (PCTN) thì thấy nêu vấn đề này rất mờ nhạt. Có một thực tiễn cử tri nêu khối công thì xuất hiện hành vi tham nhũng vặt, còn khối tư thì không có. Đây là hiện tượng cần đánh giá một cách cụ thể trong báo cáo tổng kết 10 năm, từ đó mới đưa ra biện pháp để phòng chống” - bà Hải nói.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
Bà Hải dẫn chứng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác PCTN đã đưa ra đánh giá PAPI vào năm 2016 cho thấy: Tỉ lệ người dân phải chi lót tay cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em họ được quan tâm vẫn tiếp tục tăng; có khoảng 54% người dân cho rằng phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước; người dân cho rằng cán bộ địa phương biển thủ công quỹ ngày càng tăng…
“Tôi rất trăn trở tham nhũng vặt vì nó ảnh hưởng đến đông người dân, nó có ảnh hưởng xã hội rất là xấu, rất lớn đến đời sống tâm lý và đặc biệt làm xói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp, tương thân tương ái của người dân” - bà Hải nhấn mạnh.
Chứng minh cho nhận định này, bà Hải lấy ví dụ: “Cử tri vào bệnh viện công muốn tiêm bớt đau thì phải chi 20.000-50.000 đồng. Tôi có người bạn đã rớt nước mắt vì quên đưa tiền cho mẹ nên mẹ anh bị tiêm đau. Như bản thân tôi, khi sinh cháu trong viện, nếu không bỏ tiền trong tã thì tắm không sạch. Tôi sinh cháu năm 2001 hiện tượng đó đã có, đến nay cử tri phản ánh vẫn còn. Đây là hành vi nhỏ nhưng gây xói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp của người dân chúng. Gây ra tâm lý khi làm việc gì thì cũng phải có lót tay”.
Vị Trưởng ban Dân nguyện đề nghị Ban soạn thảo dự luật quan tâm đến vấn đề này và đặc biệt phải đưa ra quy định phải bắt buộc công khai, giám sát các quy trình, thủ tục dễ nảy sinh tham nhũng vặt…