Từ thực tế là một trong số ít trường CĐ trong cả nước thực hiện tự chủ, TS Hưng cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến các trường CĐ, TC chưa mạnh dạn tự chủ, trong đó băn khoăn lớn nhất là tự chủ rồi không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; thứ hai cơ quan chủ quản lo mất chức năng quản lý nên không chịu buông. Ngoài ra, cơ chế tự chủ chưa rõ ràng về nhiệm vụ, tổ chức nhân sự, tài chính; cùng với đó là sự khống chế về chỉ tiêu đào tạo, mức thu học phí; ngân sách cấp phát theo bình quân đầu người…
Ngược lại, các trường cũng có các hạn chế như chưa chủ động khai thác các nguồn lực để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo… Các trường CĐ, TC tuyển sinh còn thấp, việc phân luồng chưa thực chất. Đối tượng học nghề đa phần gia đình khó khăn, thu nhập thấp. “Tóm lại, tư duy bao cấp vẫn còn nặng nề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” - TS Hưng phản ánh.
Để các trường CĐ, TC thực hiện đúng nghĩa tự chủ, ông Hưng kiến nghị: Cần giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, quyết định các chỉ tiêu nhiệm vụ, tự bảo đảm các điều kiện cung cấp dịch vụ…
Các trường CĐ, TC nhận thức muốn tự chủ cần có cơ chế và hướng dẫn đầy đủ về cơ chế mới mạnh dạn “thoát” áo bao cấp. Ảnh: P.ĐIỀN
Bà Phạm Trang Quang Thủy, Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Hùng Vương, nhìn nhận tự chủ CĐ, TC giúp các trường chủ động, linh hoạt trong điều hành, cải tiến chất lượng đào tạo và sử dụng nhân sự. Tuy nhiên, cơ chế hiện tại khiến trường rất khó để đạt được điều này. Cụ thể trường thuộc UBND quận 5, cơ chế hoạt động tự chủ một phần, được quyết các khoản chi nhưng cũng rất mệt mỏi để giải trình. Ngược lại, nguồn nhân sự (giảng viên, nhân viên) do quận quản lý. Chính vì cơ chế này mà khi muốn ngưng việc một lao động yếu chuyên môn không dễ, đồng thời quyết một giảng viên có chuyên môn giỏi cũng khó.
Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng tự chủ được hiểu ở góc độ học thuật là tự chủ về tuyển sinh, kiểm định, đào tạo, tuyển dụng và tài chính. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về điều này nên các trường CĐ, TC rất khó thực hiện. Ngoài ra, các thiết bị thực hành nghề đắt nên các trường thường liên kết với doanh nghiệp để có nơi cho sinh viên thực hành. Bởi vậy, khi áp dụng cơ chế tự chủ cần tính toán giảm thuế cho các doanh nghiệp nhập thiết bị, máy móc.
Khi được ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hỏi thẳng: “Căn cứ vào tình hình tuyển sinh và thu chi năm 2017-2018, trường có tự chủ được không?”. Ông Khiêm xác nhận với tỉ lệ thu 20 tỉ đồng học phí/năm và 40 tỉ đồng từ ngân sách chi thường xuyên, theo lộ trình năm 2021 trường hoàn toàn có thể tự chủ.
Tổng diện tích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM là 100 triệu m2, trong đó diện tích đất thuộc các bộ, ngành quản lý chiếm 90%. Quy mô tuyển sinh tăng nhanh từng năm, đến nay số lượng tuyển sinh trên 400.000 học sinh, sinh viên. |