Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức, ngày 20-10. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự hội nghị.
Người đứng đầu Bộ GD&ĐT, đánh giá quá trình phát triển của giáo dục đại học nước ta, tự chủ đại học đã xuất hiện như là một tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của giáo dục đại học thế giới. Tự chủ là thuộc tính của các trường đại học, không tự chủ thì các trường rất khó sáng tạo, khó phát huy nội lực và khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cũng nhìn nhận tự chủ đại học là quá trình đầy khó khăn, thách thức nên thực hiện tự chủ đại học cần có lộ trình phù hợp. Theo đó, để thúc đẩy tự chủ đại học, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách và các khung khổ pháp lý cho vấn đề này. Trong đó, Luật Giáo dục đại học 2012 đã khẳng định cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Tự chủ đại học Trường ĐH Tôn Đức Thắng không chỉ có cơ ngơi khang trang mà không gian học tập cũng sáng tạo, giúp sinh viên hứng khởi học tập. Ảnh: AN NHIÊN
Bộ trưởng Nhạ thông tin, đến nay Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết 77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập, gồm 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm, trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7-2017.
“Tuy thời gian thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 chưa dài (chưa hết chu kỳ đào tạo một khóa học) nhưng các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường...”, ông Nhạ khái quát.
Về những tồn tại hạn chế trong lộ trình thực tự chủ đại học, ông Nhạ thẳng thắn: Kết quả đạt được, tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp. Các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ.
Cùng đó năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả...
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu toàn diện về tự chủ đại học của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong quá trình tự chủ đại học một số trường chủ động dừng và loại các ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu người học/thị trường lao động, đồng thời mở thêm nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Các trường mở nhiều ngành mới đa phần là các trường có thời gian tự chủ trên một năm.
Nhóm nghiên cứu này đánh giá, bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động công tác đảm bảo chất lượng và thực hiện hoặc đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục. Một số trường đã tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục và chương trình đào tạo bởi tổ chức quốc tế.
Các trường mở nhiều ngành/chương trình liên kết. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là trường mở nhiều ngành/chương trình liên kết đào tạo sau tự chủ với 39 ngành (bao gồm cả các chương trình tiên tiến, chất lượng cao). Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong 2 năm qua đã bổ sung 25 chương trình/ngành đào tạo. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có thêm 16 chương trình/ngành đào tạo. Trường ĐH Tôn Đức Thắng mở 13 ngành vàTrường Đại học Ngoại thương mở 11 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 5 chương trình hợp tác quốc tế. |