Mỹ: Cái gì cũng cảnh báo

Dorigo Jones là tác giả quyển sách sắp phát hành Remove Child Before Folding: The 101 Stupidest, Silliest and Wackiest Warning Labels Ever (Bế trẻ lên trước khi gấp lại: 101 lời cảnh báo ngớ ngẩn nhất trước nay; tựa quyển sách lấy từ cảnh báo ghi trên một loại xe nôi). Đây chỉ là một trong những cảnh báo quái đản rút ra từ cuộc thi “Những lời cảnh báo ngớ ngẩn nhất” do Dorigo Jones tổ chức thường niên.

“Không được nuốt lưỡi câu à nghe!”

Nhãn cảnh báo giúp bạn biết tác hại thuốc lá đối với sức khỏe, cà phê làm cơ thể nóng, thuốc ngủ có thể gây nên tình trạng thẫn thờ, bột giặt Tide không tốt cho sức khỏe, đĩa nướng bị nóng đến bỏng tay khi để trong lò nướng, nước khoáng bắn búa xua ra ngoài khi mở nắp chai và cẩn thận không nên nuốt phải mực in laser... Ngày nay, thiên hạ ngày càng chế ra nhiều cách cảnh báo mới lạ. Nhiều loại xe ô tô tích hợp tính năng máy tính có thể hiển thị bản đồ hướng dẫn đường đi lên màn hình đã in dòng chữ cảnh báo: “Nhìn bản đồ hiển thị trên màn hình này trong khi lái xe có thể gây TNGT nghiêm trọng”.

Ở Mỹ, nhiều nhãn cảnh báo được bộ máy luật địa phương ban hành với hy vọng góp phần “nâng cao dân trí” hoặc tránh những vụ việc ngoài ý muốn dẫn đến lôi thôi kiện tụng. Tuy nhiên, chính nhãn cảnh báo lại dễ dẫn đến tranh chấp, xung đột về pháp lý và bát nháo chính trường. Thượng viện Mỹ hiện xem xét một dự luật (đã thông qua bởi Hạ viện) liên quan một số bang trong việc đưa ra các cảnh báo về thực phẩm mà chính phủ liên bang thấy không cần thiết. Một nhóm bảo vệ môi trường (phản đối nội dung dự luật) đã mỉa mai gửi mỗi thành viên Hạ viện chai Pepto-Bismol với hàng chữ: “Tác dụng H.R. 4167 có thể gây ói mửa, tiêu chảy, vô sinh và ung thư” (HR là chữ viết tắt của “House Resolution” - nghị quyết Hạ viện).

Có thể thấy tình trạng loạn cảnh báo ở một trường hợp nực cười khác. Tại Cobb (bang Georgia), ban giám hiệu một trường học yêu cầu in hàng chữ cảnh báo vào sách sinh vật: “Quyển sách này là tài liệu về sự tiến hóa. Mà tiến hóa chỉ là một giả thuyết, không có thật và nó có thể giúp hiểu nguồn gốc của sự sinh tồn. Ta có thể đạt được kiến thức về tiến hóa qua học hỏi từ cuộc sống hằng ngày, sách vở và suy ngẫm về những điều đó”. Tất nhiên phụ huynh phản đối rần rần và cuối cùng thắng trong phiên tòa sơ thẩm. Dù vậy xin nói thêm, ban giám hiệu đã kháng án và vụ việc chưa biết ngã ngũ ra sao.

Cảnh báo: Máy sấy tóc… “chỉ dùng để sấy tóc”!

Trong khi đó một chánh án liên bang vừa hủy đơn kiện từ một nhóm người ăn chay, yêu cầu trên tất cả hộp sữa được bán tại Washington, D.C. phải có dòng chữ cảnh báo rằng sữa có thể gây hại đến những người không chịu được mùi sữa! “Nhãn cảnh báo đã đi quá xa so với vai trò của nó” - Robert B. Dorigo Jones nói - “Tôi có một lon mồi cá với ba lưỡi câu và trên vỏ lon ghi dòng cảnh báo “Không được nuốt lưỡi câu à nghe!”.

Trong cuộc thi “Những lời cảnh báo ngớ ngẩn nhất” do Dorigo Jones tổ chức cách đây không lâu, giải nhất thuộc về một loại súng nhiệt (heat gun) giúp lột bỏ sơn tường bằng sức nóng hơn 500oC. Cảnh báo khi sử dụng dụng cụ này được ghi: “Không được dùng súng nhiệt để sấy tóc”! Giải nhì trao cho cảnh báo một loại dao làm bếp: “Không được với tay chụp khi dao đang rơi!”. Giải ba thuộc về loại khăn ăn in hình bản đồ vùng biển Hilton Head (bang South Carolina) với hàng cảnh báo: “Cẩn thận: Không sử dụng bản đồ này cho mục đích đi biển”. Còn nữa, một cảnh báo ngớ ngẩn ghi trên vỏ chai nước tiểu sấy khô linh dương Mỹ dùng ngăn động vật gặm nhấm phá hoại vườn tược đã nhắc như sau: “Không sử dụng cho người”. Dorigo Jones (chủ tịch Michigan Lawsuit Abuse Watch) cho biết thêm: “Kiện tụng do từ các nhãn cảnh báo đang xuất hiện nhiều như dịch”. Bởi luật pháp còn kẽ hở nên nhiều công ty cho rằng họ có trách nhiệm phải cảnh báo mọi người dù đó là những điều hiển nhiên. Chính điều này lại gây ra tác dụng ngược và ngày càng có ít người đọc cảnh báo bởi vì chúng quá rườm lời và nực cười.

Ủng hộ “đầu lâu xương chéo”

Theo Washington Post, một số cơ quan liên bang hiện kinh doanh nhãn cảnh báo trong đó có Cơ quan Quản lý thực-dược phẩm (FDA), Ủy ban An toàn thực phẩm cho người tiêu dùng (CPSC) và Cục Điều tra liên bang (FBI, nơi đưa ra cảnh báo chống vi phạm bản quyền phim ảnh từ năm 1975). Pamela Gilbert - Giám đốc điều hành CPSC thập niên 1990 - cho biết CPSC từng yêu cầu gắn nhãn cảnh báo hình ảnh lên bao than với ba hình: Than đang cháy trong nhà, trong lều và trong toa xe. Cả ba hình đều được bao quanh bởi vòng tròn với gạch chéo - ký hiệu phổ biến trong các nhãn cấm. Đầu lâu xương sọ cũng là ngôn ngữ hình ảnh thường thấy trong cảnh báo, đặc biệt hữu dụng cho các trường hợp nhắc nhở ngắn gọn có tính hiệu quả tức thời.

Gilbert kể: “Tôi có đứa con sáu tuổi nhưng cháu cũng hiểu rằng đầu lâu xương chéo là tượng trưng cho độc hại, nguy hiểm. Đây thật sự là cách cảnh báo hiệu quả. Không ai uống bất cứ thứ gì mà trên vỏ chai có in đầu lâu xương chéo trừ phi muốn kết liễu quách đời mình”. Đã có ít nhất một trường hợp tự sát khi chọn nhãn đầu lâu xương chéo. Kẻ tội nghiệp đó là Billy Joel, ngôi sao nhạc rock lừng danh thập niên 1970. Khi bị bạn gái bỏ rơi và ban nhạc cũng rã gánh, Billy quyết định từ biệt cõi trần khi với tay lấy chai thuốc đánh bóng đồ gỗ in nhãn cảnh báo đầu lâu xương chéo. Thật “đáng tiếc”, nó đã không kết liễu “cái mạng cùi” của tác giả ca khúc Only the Good Die Young (Chỉ kẻ tốt mới chết yểu) nhưng để lại chứng đầy hơi khó chịu. Lẽ ra Billy phải kiện cái di chứng đầy hơi bởi nó không được cảnh báo trên chai thuốc đánh bóng đồ gỗ!

Vụ án McDonald’s: “Cà phê nóng (thì) nóng lắm đó!”

Năm 1992, Stella Liebeck (81 tuổi) mua cà phê tại cửa hàng McDonald’s tại Albuquerque. Khi cụ bà Stella kẹp ly cà phê nóng giữa hai đùi để mở nắp thì thằng cháu nhỏ của cụ chạy ngang đụng phải. Thế là ly cà phê đổ tung tóe cả ra và gây bỏng cấp độ ba. Cáu tiết, Stella kiện McDonald’s và tòa đã xử thắng cho cụ với tiền bồi thường gần 3 triệu USD! Sau vụ kiện hi hữu, McDonald’s và một số hãng cà phê khác vội vàng ghi cảnh báo lên thành ly rằng “cà phê nóng (thì) nóng lắm đó!”. Sau đó, mọi thứ dường như bùng nổ. Sợ bị kiện, vô số doanh nghiệp Mỹ nháo nhào ghi cảnh báo lên sản phẩm.

Và loạn cảnh báo nổ ra khi người ta chế ra đủ thứ cảnh báo loạn xạ xà ngầu, chẳng hạn cảnh báo dán trên sản phẩm bít tất của Công ty Dr. Sholl: “Xin hãy cẩn thận vì sẽ rất trơn nếu mang tất mà không đi giày”; đĩa dùng nướng thức ăn ghi cảnh báo: “Đĩa sẽ nóng khi đút nó vào lò nướng”; bàn chải chùi nhà vệ sinh ghi “Không dùng để vệ sinh cơ thể người”; dung dịch súc miệng Listerine ghi “Không được nuốt. Trong trường hợp lỡ nuốt, quý vị cần tìm sự trợ giúp chuyên nghiệp hoặc liên hệ ngay một trung tâm quản lý chất độc hại”; ống kem đánh răng Crest nhắc nhở: “Nếu vô tình nuốt phải kem, làm ơn hãy nhờ sự giúp đỡ y tế hoặc liên hệ ngay với trung tâm quản lý chất độc”; bịch bột ngũ cốc Metamucil ghi: “Sử dụng sản phẩm này quá lượng cho phép có thể gây sưng hoặc nghẹn cổ họng và thực quản”.

Những cảnh báo quái gở nhất

Khi in quảng cáo trên báo, người ta cũng bắt đầu kèm theo hầm bà lằng cảnh báo. Vài cảnh báo nghe được tai nhưng cũng không ít cảnh báo cực kỳ quái lạ. Chẳng hạn:

- Thuốc ngủ Lunesta: Có thể “gây nên tình trạng buồn ngủ”.

- Thuốc chữa hen suyễn Advair: Có thể “làm giảm hen suyễn sau khi sử dụng”.

- Thuốc trị huyết áp Toprol-XL: Có thể gây “rối loạn thần kinh”, “buồn chán” và “dẫn đến rối loạn tâm lý”.

- Thuốc an thần Lunesta: Có thể gây nên “phản ứng lạ” và “không bình thường hoặc ảnh hưởng đến suy nghĩ”.

- Siêu quái trong tất cả cảnh báo quái là hàng chữ sau đây in trên loại kem ly nhựa Slurpee: “Coi chừng: Tình trạng đông não có thể xảy ra”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm