Nói về khả năng đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Cuba, Ngoại trưởng Tillerson nói: “Chúng tôi đang đánh giá điều này. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với sự tổn hại mà một số cá nhân đã trải qua. Chúng tôi sẽ đưa họ về nhà. Điều này đang được xem xét”.
Theo hãng tin AP, bình luận trên của Ngoại trưởng Tillerson đưa ra hôm 17-9 cho thấy Washington có thể đưa ra cách phản ứng ngoại giao mạnh mẽ, có khả năng gây trở ngại cho việc tái khởi động quan hệ Mỹ-Cuba.
Đại sứ quán Mỹ tại Cuba. Ảnh: AP
Khoảng 21 người Mỹ gồm nhà ngoại giao cùng thành viên gia đình họ đã gặp một số triệu chứng bao gồm chấn thương não nhẹ, mất thính lực, chóng mặt và buồn nôn. Washington cho rằng các nhân viên ngoại giao của nước này bị "tấn công bằng sóng âm" và một số thiết bị đã được sử dụng để làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Ít nhất hai người Canada cũng bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng tương tự. Cuba đã phủ nhận có liên quan vụ việc và nói sẵn sàng giúp Mỹ giải quyết vấn đề này.
Theo thông tin được chính quyền Mỹ công khai hồi tháng 8 năm nay, vụ việc bắt đầu từ cuối năm ngoái nhưng phải đến tháng 2-2017, Washington mới lần đầu tiên phàn nàn với Havana. Vụ việc tương tự xảy ra lần gần đây nhất là ngày 21-8. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cảnh sát Hoàng gia Canada và nhà chức trách Cuba đều vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân vụ việc nhưng không thu được kết quả nào.
Mỹ mở lại Đại sứ quán tại Havana vào năm 2015 sau nửa thế kỷ quan hệ giữa hai nước bị đóng băng. Năm 2016, ông Barack Obama trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Cuba kể từ thời cố tổng thống Calvin Coolidge hồi năm 1928, theo BBC.
Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lại một phần chính sách Cuba dưới thời ông Obama nhưng khẳng định sẽ không đóng cửa Đại sứ quán ở Havana.