Canada muốn Trung Quốc phóng thích ngay lập tức các ông Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân của nước này bị bắt sau khi chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei vào ngày 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ.
Trung Quốc đã lên án hành động này và vụ việc đang đe dọa làm gia tăng căng thẳng toàn cầu tại thời điểm Washington và Bắc Kinh bị trói chặt trong một cuộc chiến thương mại.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7-1 và cảm ơn ông vì “những lời tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ” liên quan đến việc bắt giữ hai công dân Canada, phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Trudeau cho biết trong một tuyên bố. Tuyên bố cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục đưa ra yêu cầu phóng thích hai công dân nói trên.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Trump và Thủ tướng Trudeau “đã thảo luận về việc giam giữ bất hợp pháp hai công dân Canada tại Trung Quốc”. Tuyên bố không đưa ra chi tiết.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp của nhóm G7 ở Canada vào tháng 6-2018. Ảnh: REUTERS
Mặc dù Canada nói rằng Trung Quốc không đưa ra mối liên hệ cụ thể nào giữa việc giam giữ công dân Canada và vụ bắt bà Mạnh, nhưng các chuyên gia và cựu viên chức ngoại giao nói rằng họ không nghi ngờ gì về việc Bắc Kinh đang sử dụng các trường hợp của các ông Kovrig và Spavor để gây áp lực lên Ottawa.
Bắc Kinh khẳng định các cáo buộc đối với bà Mạnh phải bị xóa bỏ, nhưng Canada nói rằng họ không thể can thiệp vào quá trình tư pháp.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã phản ứng một cách không vui vào tháng trước sau khi Tổng thống Trump ngỏ ý ông có thể từ bỏ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh đến Mỹ để đổi lấy tiến triển trong thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc. Bà nói rằng quá trình dẫn độ không nên bị chính trị hóa.
Văn phòng Thủ tướng Trudeau cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về yêu cầu của Mỹ và “đã khẳng định lại tầm quan trọng của việc tôn trọng sự độc lập về mặt tư pháp và luật pháp.”
Tờ China Daily hôm 7-1 đã đăng một bài bình luận nói rằng Canada “có thể làm mất lòng tin và sự hợp tác của hầu hết các nước đang phát triển” liên quan đến vấn đề này.
“Với việc tiếp tục đi theo Mỹ, dù thụ động hay chủ động, Canada cuối cùng sẽ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của mình,” ông Li Qingsi, giáo sư chuyên về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định.
Theo đài CBC, trước đó một ngày, một nhóm các nhà lập pháp của Canada khi thăm Trung Quốc đã gây sức ép lên các nhà chức trách yêu cầu phóng thích các ông Spavor và Kovrig nhưng không mấy thành công.
Trong khi đó, bà Mạnh hiện đã được giới chức Canada cho phép được bảo lãnh tại ngoại nhưng đang đứng trước khả năng bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử về các cáo buộc gian lận, vốn có thể khiến bà ngồi tù đến 30 năm nếu bị kết tội.