Mỹ chấm dứt chương trình học viện quân sự với Campuchia

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Arend Zwartjes - người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia – ngày 1-7 cho biết Washington đã quyết định chấm dứt chương trình hợp tác đào tạo quân sự với Campuchia, trong đó Campuchia sẽ gửi sinh viên đến các học viện quân sự hàng đầu của Mỹ.

Động thái trên là dấu hiệu căng thẳng mới nhất trong quan hệ giữa hai nước.

Ông Zwartjes hôm 1-7 cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi Campuchia chấm dứt một số lĩnh vực hợp tác quân sự song phương với Mỹ.

Mỹ chấm dứt chương trình học viện quân sự với Campuchia. Ảnh: UGOLINI NEWS

“Sau khi Campuchia chấm dứt hợp tác trong một số lĩnh vực quân sự song phương truyền thống, nước này đã không còn phù hợp với chương trình học viện quân sự của Mỹ” – ông Zwartjes thông báo.

Tuy nhiên, ông Zwartjes cho biết số sinh viên Campuchia đang học tại các học viện quân sự của Mỹ sẽ được phép hoàn thành chương trình đào tạo của mình.

“Mỹ khuyến khích chính phủ Campuchia hỗ trợ học viên của họ liên quan các khoản chi phí còn lại” - ông Zwartjes nói.

Theo Reuters,  trong những năm qua, một số thành viên ưu tú của xã hội Campuchia, bao gồm ông Hun Manet - con trai cả của Thủ tướng Hun Sen, đã tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point danh tiếng của Mỹ.

Ông Hun Manet hiện là phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF).

Người phát ngôn Chhum Socheat của Bộ Quốc phòng Campuchia và người phát ngôn Phay Siphan của Chính phủ Campuchia hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Theo Reuters, Washington đang ngày một lo lắng về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Campuchia, quốc gia Đông Nam Á được đánh giá là đang dần trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc đang giúp Campuchia mở rộng cảng, nạo vét các vùng nước nông xung quanh căn cứ hải quân Ream, cũng như xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu ở đây.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm 2-6, sự hợp tác này là do phía Campuchia đề xuất.

Ông Tea Banh cũng từng lưu ý rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất được phép tiếp cận căn cứ hải quân Ream. Cả Thủ tướng Hun Sen và phía Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch đưa các khí tài quân sự Trung Quốc tới quân cảng này.

Hôm 11-6, Đại tá Marcus Ferrara - tùy viên quân sự của Mỹ tại Campuchia - đã đột ngột kết thúc chuyến thăm quân cảng Ream sau khi không được chính quyền Phnom Penh cấp quyền "tiếp cận đầy đủ" tại căn cứ này

Trước đó, trong chuyến công du Campuchia hôm 1-6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã bày tỏ với Thủ tướng Hun Sen sự "quan ngại nghiêm trọng" về cái mà phương Tây nghi là "sự hiện diện quân sự" của Trung Quốc ở Ream.

Ông Tea Banh hôm 9-6 đã nhắc lại lập trường của Phnom Penh về việc không cho phép bất kỳ nước nào thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới