Giới phân tích cho biết việc Mỹ trì hoãn giao vũ khí cho Đài Loan không ảnh hưởng ngay lập tức đến khả năng phòng thủ của hòn đảo, nhưng Đài Bắc có thể tận dụng sự chậm trễ này để yêu cầu các loại vũ khí tiên tiến hơn từ Washington, tờ South China Morning Post đưa tin.
Yêu cầu vũ khí tiên tiến hơn
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến việc chuyển giao hai hệ thống tên lửa phòng không Stinger và pháo tự hành Paladin bị đình trệ do dây chuyền sản xuất vũ khí ở Mỹ đang bị quá tải khi tập trung viện trợ khí tài cho lực lượng Kiev.
Ông Lã Lễ Thi - cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan - cho biết việc trì hoãn có thể tạo cơ hội cho Đài Loan nâng cấp danh sách vũ khí mà họ đã đặt hàng từ Mỹ. Washington đã hứa sẽ cung cấp cho Đài Bắc các đề nghị thay thế nếu không thể giao các hệ thống pháo đúng hạn.
Một lựa chọn khả thi là đặt mua thêm Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) - một loại vũ khí mạnh hơn với phạm vi hoạt động tối đa lên tới 500km, so với tầm bắn chỉ 30km của Paladin.
Đài Loan có thể yêu cầu Mỹ cung cấp thêm hệ thống HIMARS. Ảnh: REUTERS |
“Không giống như lựu pháo, HIMARS là một vũ khí có thể tấn công tiền tuyến, điều đó có nghĩa là các tàu chiến của quân đội Trung Quốc có thể bị nhắm mục tiêu từ đất liền khi đi qua eo biển Đài Loan” - ông Lã cho biết.
Tháng 6 năm ngoái, Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo họ đã ký hai hợp đồng, trong đó có thỏa thuận mua các hệ thống HIMARS ước tính trị giá 436 triệu USD và dự kiến sẽ được chuyển giao cho Đài Loan vào năm 2027.
Ông Lã nói rằng việc trì hoãn có thể khiến Mỹ tăng số lượng HIMARS và các loại vũ khí mới khác cho Đài Loan sau khi thấy kết quả giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine. “Mỹ biết rất rõ rằng tư duy tác chiến của quân đội Bắc Kinh rất giống với quân đội Moscow” - ông nhận định.
“Cuộc chiến Ukraine cho thấy cách quân đội Kiev áp dụng chiến lược chỉ huy và kiểm soát mọi miền trong chiến tranh hiện đại, liên quan đến lục quân, hải quân, không quân, vũ trụ, không gian mạng và cũng như tác chiến điện tử. Trong khi đó, hải quân, bộ binh và không quân Nga thì vẫn chiến đấu độc lập. Điều đó có thể khuyến khích cho Mỹ cập nhật các tổ hợp vũ khí khi bán cho Đài Loan" - ông cho biết thêm.
Đài Loan cũng đã đặt hàng 250 hệ thống phòng không Stinger với chi phí 246 triệu USD, dự kiến chuyển giao từ năm 2022 đến năm 2026, nhưng đây là phiên bản cũ của hệ thống mà quân đội Mỹ đã loại bỏ cách đây 20 năm.
Hãng vũ khí Raytheon cho biết rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp một số bộ phận quan trọng của phiên bản cũ. Theo đó, ông Lu cho rằng điều này đồng nghĩa Đài Loan có thể cần mua hệ thống chiếc Stinger thế hệ mới, dĩ nhiên giá thành sẽ đắt hơn nhiều.
“Tốt hơn có nghĩa là đắt hơn và Đài Bắc không có sự lựa chọn nào khác khi Mỹ là nhà cung cấp vũ khí duy nhất sẵn sàng bán vũ khí cho hòn đảo” - ông Lã nói.
Trung Quốc cần thêm thời gian
Bất chấp sự chậm trễ, các nhà phân tích cho rằng Đài Loan sẽ không phải đối mặt với mối đe dọa ngay lập tức từ đại lục, do tình hình chiến sự ở Ukraine đang biến phức tạp và chính sách không đối đầu mà Bắc Kinh chủ trương.
“Cho đến nay Đài Loan vẫn an toàn. Quân đội Trung Quốc cần thêm thời gian để xem xét chiến sự Ukraine. Bắc Kinh sẽ không chiến đấu nếu không đảm bảo phần thắng, đặc biệt là khi xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ thách thức hơn nhiều so với cuộc chiến Ukraine, vốn đang diễn ra trên đất liền” - nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong tại Macau cho biết.
Ông Drew Thompson - chuyên gia tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc ĐH Quốc gia Singapore - cho biết việc trì hoãn sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phòng thủ của Đài Loan, bởi vì hòn đảo này đã xây dựng các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung, cũng như các vũ khí phòng thủ khác.
“Những sự chậm trễ này không làm suy yếu hoặc làm suy giảm khả năng phòng thủ của Đài Loan. Tuy nhiên, tốt hơn hết là Mỹ nên chuyển giao các hệ thống mới đúng thời hạn và phù hợp với đặc điểm kỹ thuật để hỗ trợ các nỗ lực lập kế hoạch, biên chế và đào tạo của hòn đảo” - ông nói.
“Hai hệ thống bị trì hoãn giúp cho khả năng phòng thủ của Đài Loan có chiều sâu hơn, nhưng chúng là những bổ sung cho các khả năng hiện có, chứ không phải là các hệ thống quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách năng lực quân sự, vì vậy sự chậm trễ này không ảnh hưởng quá nhiều” - ông cho biết thêm.
Ông Andrew Yang Nien-dzu - cựu lãnh đạo lực lượng phòng vệ Đài Bắc - cho biết nhiều chương trình huấn luyện và các cuộc tập trận chung giữa lực lượng Mỹ và hòn đảo đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song lực lượng Đài Loan vẫn có thể vận hành tất cả các hệ thống vũ khí hiện có và tăng cường các cuộc tập trận thường xuyên.
“Đài Bắc hiểu rằng tất cả vũ khí nhập khẩu cần một thời gian chuyển giao, và đã cố gắng cải tiến vũ khí sản xuất trong nước cũng như vận hành tốt hơn các thiết bị hiện có. Tôi tin rằng cho đến nay họ có thể đối phó với bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ nào của Bắc Kinh” - ông nhận định.