Mỹ, châu Âu gia hạn sử dụng vaccine COVID-19 ra sao?

Trên thực tế, việc gia hạn vaccine đã có tiền lệ trên quốc tế và được một số cơ quan y tế có thẩm quyền phê duyệt.

Ảnh minh họa vaccine Pfizer/BioNTech. Ảnh: REUTERS

Ở Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) từ tháng 7 đã có thông báo đồng ý gia hạn thời hạn sử dụng đối với vaccine một liều Johnson & Johnson từ 4,5 tháng lên sáu tháng với điều kiện phải bảo quản vaccine ở nhiệt độ 2-8 độ C để đảm bảo an toàn và hiệu quả bảo vệ. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai FDA kéo dài thời hạn sử dụng đối với vaccine Johnson & Johnson. Trước đó hồi tháng 6, FDA đã kéo dài hạn dùng của vaccine này từ ba tháng lên 4,5 tháng. Đến tháng 8, FDA tiếp tục gia hạn thêm ba tháng thời gian sử dụng đối với các lô vaccine Pfizer/BioNTech có ngày hết hạn rơi vào tháng 8 kéo dài đến tháng 2 năm sau. Vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ từ -60 độ C đến -90 độ C.

Ở châu Âu, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) thuộc Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng cũng cho phép gia hạn thời hạn sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech từ sáu tháng lên chín tháng sau khi đánh giá các dữ liệu bổ sung bên hãng dược cung cấp. Quy định này áp dụng đối với các lô vaccine sản xuất sau khi quyết định gia hạn có hiệu lực. Các lô vaccine sản xuất trước đó chỉ được áp dụng với điều kiện được bảo quản ở nhiệt độ -60 độ C đến -90 độ C.

Theo Liên minh quốc tế vaccine cho mọi người (GAVI), việc gia hạn thời hạn sử dụng vaccine là việc quan trọng, bởi hầu hết các vaccine đều có thời hạn khoảng ba năm nhưng riêng với vaccine ngừa COVID-19 thì các hãng dược thận trọng nên khuyến nghị thời hạn 3-6 tháng. Kéo dài thời hạn sử dụng vaccine sẽ giúp giảm tải áp lực hậu cần và đảm bảo vaccine đến được tay nhiều người cũng như khắc phục tình trạng phải tiêu hủy các lô vaccine hết hạn khi chưa kịp sử dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm