WHO đề nghị các nước phản ứng vừa phải với biến thể Omicron

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 30-11 đã bày tỏ lo ngại trước việc một số quốc gia đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quá mức nhắm vào biến thể Omicron.

Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu trước 194 quốc gia thành viên của WHO, ông Tedros đã kêu gọi họ thực hiện "các biện pháp giảm thiểu rủi ro hợp lý, tương xứng" để phù hợp với Điều lệ Y tế quốc tế (IHR 2005).

Ông Tedros cho rằng những quốc gia này đang "không dựa trên bằng chứng xác thực mà chỉ dựa vào lợi ích của riêng họ", đồng thời gây ảnh hưởng đến Nam Phi và các quốc gia lân cận, những người đầu tiên báo động về sự tồn tại của biến thể mới cho toàn thế giới.

“Chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về ảnh hưởng của Omicron đối với quá trình lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh và hiệu quả của các bộ xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine” - Tổng giám đốc WHO nói.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ành: AFP

Lần đầu tiên được báo cáo cho WHO cách đây chưa đầy một tuần, biến chủng mới đã nhanh chóng lây lan khắp các châu lục, gây ra hoảng loạn trên toàn thế giới khi một số quốc gia thắt chặt các hạn chế đi lại đối với du khách đến từ các quốc gia ở châu Phi.

WHO sau đó đã kêu gọi các nước từ bỏ những hạn chế trên, cho rằng việc này là không công bằng và sẽ cản trở quá trình giám sát cũng như hợp tác nghiên cứu về biến thể mới.

"Tôi cảm ơn Botswana và Nam Phi vì đã phát hiện và nhanh chóng báo cáo về biến thể này" - ông Tedros nói, thêm rằng điều này cũng khiến ông "vô cùng lo lắng khi những quốc gia đó đang bị những quốc gia khác ‘trừng phạt’ vì đã làm điều đúng đắn”.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra một mức độ hoảng loạn trên toàn cầu. Ảnh: REUTERS

Người đứng đầu WHO cho biết ông có thể hiểu được rằng các quốc gia làm vậy là để bảo vệ công dân của họ "chống lại một biến thể mà tất cả chúng ta đều chưa hiểu hết".

"Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại rằng một số quốc gia thành viên đang đưa ra các biện pháp thẳng thừng, bao trùm, không dựa trên bằng chứng xác thực, và điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng” - ông Tedros nói.

Ông Tedros cũng nhấn mạnh rằng hiện vẫn chưa rõ mức độ nguy hiểm của biến thể này ở mức độ nào.

Bên ngoài trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ảnh: AFP

Tổng giám đốc WHO nhắc đến sự bất bình đẳng rõ ràng về việc phân bổ vaccine khi các quốc gia giàu có luôn có nguồn cung vaccine dồi dào để tiến hành những mũi tiêm tăng cường, trong khi người dân của các quốc gia nghèo hơn vẫn đang chờ đợi những mũi tiêm đầu tiên của họ.

"Chúng ta càng để cho đại dịch kéo dài, do không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng về vaccine, hoặc không có những biện pháp phòng chống dịch phù hợp và nhất quán, thì chúng ta càng tạo cơ hội cho virus này đột biến theo những cách mà chúng ta không thể dự đoán hoặc ngăn chặn được” - ông Tedros kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm