WHO:Omicron có số đột biến cao ‘chưa tiền lệ’, có thể tác động đường đi đại dịch

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có số đột biến “chưa có tiền lệ” trong chuỗi gai protein và một số đột biến trong đó có thể tác động đến đường đi của đại dịch COVID1-19, báo South China Morning Post dẫn đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biến thể mới được phát hiện.

Biến thể Omicron có thể tác động đường đi đại dịch

Trong văn bản tóm tắt kỹ thuật công bố ngày 29-11 về "biến thể đáng lo ngại" Omicron, WHO cảnh báo thận trọng rằng các đánh giá cho đến nay vẫn chỉ dựa trên thông tin hạn chế, tuy nhiên rủi ro tổng thể với toàn cầu liên quan đến biến thể Omicron có số đột biến cao “chưa có tiền lệ” là "rất cao".

WHO đánh giá rằng biến thể Omicron có số đột biến cao “chưa có tiền lệ”, có mức rủi ro rất cao đến toàn cầu, có thể tác động đường đi đại dịch. Ảnh: AFP

“Với những đột biến tiềm tàng khả năng né được miễn dịch và có thể có ưu thế về lây truyền, khả năng lây lan của biến thể Omicron ở cấp độ toàn cầu là rất cao” - WHO viết trong thông báo ngắn gọn công bố chiều 29-11 theo giờ Việt Nam.

“Tùy thuộc vào những đặc điểm này, có thể có những đợt bùng phát COVID-19 mạnh trong tương lai, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, tùy thuộc vào một số yếu tố trong đó có nơi xảy ra bùng phát” – theo WHO.

“Rủi ro tổng thể trên toàn cầu liên quan đến biến thể Omicron được đánh giá là rất cao”-WHO kết luận.

Omicron có số đột biến "chưa có tiền lệ" và cao hơn Delta

Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi ngày 24-11 và sau đó nhanh chóng lần lượt được phát hiện ở nhiều khu vực khác: châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ, châu Á.

Không lâu sau khi biến thể Omicron được phát hiện, nhiều nhà khoa học đã vào cuộc phân tích sơ bộ và thống kê biến thể này có 32 đột biến trong protein gai - bộ phận giúp virus bám vào các tế bào người và phần mà các vaccine hiện tại nhắm vào để vô hiệu hóa virus. Con số này nhiều hơn số đột biến có trong các biến thể trước, như Alpha có trên dưới 20 đột biến, Delta  có 15-17 đột biến.

Thông thường, các đột biến khi xuất hiện ở protein gai sẽ giúp virus có khả năng lây lan nhanh hơn, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Đáng ngại hơn, theo nghiên cứu sơ bộ của GS Tom Peacock thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh) thì biến thể Omicron có đồng thời hai đột biến P681H và N679K làm tăng sức lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết của kháng thể. 

WHO ngày 28-11 cũng cảnh báo biến thể Omicron có thể làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã nhiễm và đã khỏi COVID-19 trước đó. Điều này đồng nghĩa hệ thống miễn dịch của những người đã nhiễm các biến thể khác có thể không nhận biết được các đột biến trong biến thể Omicron.

Chưa hết, một nghiên cứu mới đây của một nhóm chuyên gia Ý - Giáo sư Carlo Federico Perno và Giáo sư Claudia Alteri - đánh giá biến thể Omicron có tới 43 đột biến, chứ không phải 32 như các nghiên cứu ban đầu, nhiều hơn gấp đôi so với số đột biến của biến thể Delta.

Các diễn biến ban đầu giám sát được ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có mức độ lây lan nhanh hơn biến thể Delta.

WHO đã liệt biến thể Omicron vào danh sách “đáng lo ngại” – cùng mức với biến thể Delta.

Trong thang đánh giá của WHO, “đáng lo ngại” nằm ở mức nghiêm trọng thứ ba, và tới thời điểm này có biến thể Delta và Omicron cùng nằm ở mức này. Các biến thể khác được phát hiện trước (Alpha, Beta, Gamma, Mu) được xếp vào mức “theo dõi” – mức đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất trong thang đánh giá của WHO.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm