Theo tờ Asia Times, tháng trước, lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đã công bố tàu ngầm MK11 mới, dự kiến sẽ thay thế chiếc MK8 được đưa vào sử dụng từ những năm 1980.
Đáng chú ý, việc nâng cấp này có thể là một phần nỗ lực tái định hướng nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, từ chống khủng bố và chống nổi dậy sang cạnh tranh quyền lực và có thể được triển khai trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở Biển Đông.
Tái định hướng nhiệm vụ
MK11 là tàu ngầm có kích cỡ nhỏ, có thể chở một nhóm nhỏ lính SEAL được trang bị tốt cho các nhiệm vụ xâm nhập, trinh sát, hành động trực tiếp và các nhiệm vụ đổ bộ khác. So với MK8, MK11 dài hơn khoảng 30 cm, cao và rộng hơn 15 cm và nặng hơn gần 2 tấn.
Chúng cũng có thể được trang bị ngư lôi mini Bọ cạp đen. Theo Asia Times, điều này đòi hỏi phải lắp đặt các ống phóng cỡ nòng gần 13 cm cho sáu ngư lôi ở mạn trái và mạn phải của tàu. Tuy nhiên, việc trang bị ngư lôi mini được cho là chưa từng được thử trước đây.
MK11 được thiết kế để tương thích với các thiết bị cá nhân mới nhất của SEAL, chẳng hạn như ủng phản lực, máy tính bảng lặn và bộ quần áo nhiệt, cho phép người điều khiển mang theo nhiều thiết bị hơn trong khi có nhiều không gian hơn. Điều đó có thể giúp giảm thiểu sự mệt mỏi của thủy thủ đoàn, giúp họ thực hiện các nhiệm vụ lâu hơn mà vẫn duy trì hiệu quả hoạt động.
|
MK11 mới có thể được sử dụng để triển khai lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ trong các nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt. Ảnh: TWITTER |
Sự ra đời của MK11 cho thấy một sự thay đổi lớn trong học thuyết của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Trong khi tham gia rất nhiều vào hoạt động chống khủng bố và chống nổi dậy từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, năng lực của lực lượng này đang được xây dựng để cạnh tranh với các nước lớn như Trung Quốc và Nga.
Trong hai thập niên qua, lực lượng SEAL là lực lượng mũi nhọn của Hải quân Mỹ trong việc săn lùng những kẻ khủng bố trong các chiến dịch trên bộ ở Iraq và Afghanistan, nhưng giờ lực lượng này đang quay trở lại nhiệm vụ ban đầu của mình. Do đó, Mỹ đang thúc đẩy các đội SEAL tăng cường hiệu quả hoạt động trước các nước mà Washington đánh giá là đối thủ ngang hàng.
“Tai mắt khó bị phát hiện” của Mỹ ở Biển Đông
Theo Asia Times, nhờ vào độ cơ động cao, MK11 có thể bí mật vận chuyển các đội SEAL đến gần các bến cảng, căn cứ hải quân của đối phương hoặc các mục tiêu chiến lược khác. Với việc triển khai MK11 đến Biển Đông, các đội SEAL có thể tiếp cận các đảo nhỏ để thực hiện nhiệm vụ mà khó bị phát hiện.
Các đội SEAL được triển khai từ MK11 có thể di chuyển để phá hủy các thiết bị chống tiếp cận/từ chối khu vực (A2/AD) của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm các vị trí radar và khẩu đội tên lửa. Nhờ vào đó, các lực lượng Mỹ và đồng minh có thể dễ dàng hành động hơn trong khu vực.
Ngoài ra, MK11 có thể giúp các đội SEAL xâm nhập các căn cứ hải quân và đánh chìm các tàu chiến của đối phương bằng cách sử dụng mìn limpet (loại mìn nhỏ, thường được các đặc nhiệm người nhái và các thợ lặn đặt thủ công dưới thân tàu) hoặc ngư lôi mini.
Cả MK11 và các lính SEAL cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát chiến lược, hoạt động như “tai mắt bí mật” cho các nhóm tác chiến tàu sân bay và hỗ trợ các nhiệm vụ tấn công bằng tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ.
Một đội MK11 đóng trên hoặc xung quanh một trong nhiều đảo xa của Biển Đông có thể đóng vai trò như thiết bị cảm biến để phát hiện và truyền vị trí tàu chiến Trung Quốc cho các lực lượng không quân, hải quân và mặt đất của Mỹ và đồng minh của Washington ở các khu vực lân cận.