Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hôm 2-5 (giờ địa phương), Đô đốc John M. Richardson - tư lệnh hải quân Mỹ nhận xét quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn Độ ngày càng đạt đến mức tuyệt vời trên phạm vi hàng hải.
Báo Economic Times (Ấn Độ) ghi nhận đây là phát biểu chính thức từ phía Mỹ sau khi có thông tin hai đối tác chiến lược Mỹ-Ấn đang thảo luận hỗ trợ với nhau về hoạt động tàu ngầm.
Đô đốc Richardson nhận xét tình hình khu vực đang chuyển động, Mỹ cảm nhận có nhiều đối tác mới trong khu vực và Mỹ sẽ cùng hợp tác với các đối tác trong các lĩnh vực đáp ứng lợi ích đôi bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby không bình luận trực tiếp về hợp tác Mỹ-Ấn trong hoạt động tàu ngầm ở Ấn Độ Dương.
Ông chỉ nhận xét Mỹ đánh giá cao quan hệ thương mại và quân sự với Ấn Độ, đồng thời Mỹ mong muốn nhìn thấy quan hệ ấy tiếp tục cải thiện, chín muồi và phát triển.
Trang web của Lầu Năm Góc đưa tin tại cuộc họp báo, Đô đốc Richardson đã nêu lên tầm quan trọng của bảo vệ tự do hàng hải và các nguyên tắc quốc tế.
Đô đốc Scott Swift trên tàu khu trục USS Momsen ở Hawaii ngày 26-4. Ảnh: AP
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong khu vực, kể cả với Trung Quốc để tiếp tục ủng hộ tự do lưu thông… Chúng tôi sẽ tiếp tục bay qua, hoạt động và đi tàu qua bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Trước đó, báo Stars and Stripes (Mỹ) đưa tin ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Spruance, USS Decatur và USS Momsen thuộc Hạm đội 3 từ bờ tây của Mỹ đã đến Hawaii và đầu tháng 5 sẽ được triển khai đến Tây Thái Bình Dương. Dự kiến thời gian triển khai kéo dài bảy tháng.
Hạm đội Thái Bình Dương gồm Hạm đội 3 và Hạm đội 7 với hơn 200 tàu, hơn 1.000 máy bay và 140.000 thủy thủ.
Hạm đội 3 đóng ở San Diego, phụ trách bờ tây nước Mỹ và Alaska, trong khi Hạm đội 7 đóng ở Nhật phụ trách châu Đại Dương, Đông Nam Á, Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Ngày 27-4, Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, tuyên bố ông dự kiến mở rộng tầm hoạt động của Hạm đội 3 đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm giúp Hạm đội 7.
Ông chỉ ra mối đe dọa đang ở CHDCND Triều Tiên và Mỹ cần nhóm ba tàu khu trục kể trên để bảo vệ Nhật và Mỹ.
Theo báo Stars and Stripes, các tàu của Hạm đội 3 sẵn sàng đáp ứng các thảm họa như động đất, bão tố, sóng thần ở Thái Bình Dương chứ không đáp ứng trực tiếp vào căng thẳng ở biển Đông.
Đô đốc Scott Swift giải thích: “Xét về năng lực và khả năng, chúng tôi không thể can thiệp hết các thách thức khu vực đang phải đối mặt ở biển Đông”.
Hạm trưởng Charles Johnson chỉ huy nhóm ba tàu nổi cho biết các tàu sẽ tiến hành tuần tra thường xuyên và thực hiện chiến dịch tự do hàng hải. Ông khẳng định nếu được điều động sang biển Đông thì lực lượng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Tại cuộc họp báo ngày 2-5, Đô đốc John M. Richardson thông báo thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman hoạt động ở vùng Vịnh sẽ được kéo dài 30 ngày để tham gia chiến dịch chống IS và bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực này. Liên quan đến sự kiện tuần trước Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ cập cảng Hong Kong, ông giải thích tàu sân bay sẽ còn nhiều cơ hội khác để ghé qua. ________________________________ Tôi không có gì đặc biệt để nói về hoạt động của hải quân Trung Quốc trong và xung quanh khu vực. Hải quân Mỹ đánh giá nghiêm túc vai trò và cam kết của hải quân Trung Quốc trong việc bảo vệ tự do hàng hải để giao thương an toàn, thực chất và hiệu quả. Đây là trách nhiệm rất quan trọng của hải quân Mỹ và hải quân có khả năng làm được điều đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ JOHN KIRBY |