Mỹ và các nước châu Âu đang phối hợp để đáp trả những gì mà Mỹ gọi là hành vi “hung hăng và ép buộc” của Trung Quốc. Điều này diễn ra vài ngày sau khi Mỹ và các đồng minh đưa ra các biện pháp trừng phạt phối hợp đối với các quan chức Trung Quốc vì những cáo buộc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương, hãng AP đưa tin.
Mỹ muốn phối hợp với EU để đối phó Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 24-3 cho biết rằng ông muốn làm việc với các đối tác của Mỹ về cách thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung và chống lại một số hành động có tính gây hấn và ép buộc của Trung Quốc nhằm duy trì các cam kết quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo khi kết thúc cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại trụ sở NATO ở Brussels hôm 24-3. Ảnh: AP
Trong các cuộc đàm phán với các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), ông Blinken đã đồng ý về việc khởi động điều mà người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell mô tả là một cuộc đối thoại giữa EU-Mỹ về Trung Quốc, nhằm thảo luận về các thách thức và cơ hội liên quan.
Trước đó, tại trụ sở NATO, ông Blinken cho biết “khi chúng ta hành động cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nhiều so với việc bất kỳ ai trong chúng ta làm việc đơn lẻ”.
Vào ngày 22-3, Mỹ, EU, Anh và Canada đã áp đặt lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với một nhóm quan chức ở Tân Cương, cáo buộc họ làm dụng nhân quyền ở khu vực này.
Trung Quốc sau đó đã trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 10 người châu Âu, bao gồm các nhà lập pháp và học giả, cùng bốn tổ chức. Bắc Kinh nói rằng Mỹ và đồng minh đã làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc và truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch một cách ác ý.
“Động thái này không dựa trên cơ sở nào ngoài những lời nói dối và thông tin sai lệch, coi thường và bóp méo sự thật” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương nhưng sau đó đã mô tả đó là các trung tâm đào tạo việc làm và giáo dục lại những người tiếp xúc với các phần tử cực đoan. Các quan chức Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền ở đó.
Ông Blinken nói tại NATO rằng các biện pháp trừng phạt trả đũa của Bắc Kinh “khiến điều quan trọng hơn là chúng ta phải đứng vững cùng nhau".
Mỹ không buộc EU lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc nhưng họ cũng là đối thủ cạnh tranh kinh tế của nước này. Khi Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn trong những năm gần đây, khối 27 quốc gia đã phải vật lộn để cân bằng lợi ích thương mại của mình với một quốc gia mà họ coi là “đối thủ có hệ thống” và có những lo ngại về nhân quyền.
Ông Blinken được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chào đón trước khi phát biểu tại một hội nghị truyền thông tại trụ sở EU ở Brussel. Ảnh: AP
Vào tháng 12-2020, hai bên đã ký kết một thỏa thuận đầu tư lớn cho phép các doanh nghiệp châu Âu có cùng mức độ tiếp cận thị trường ở Trung Quốc như với các doanh nghiệp từ Mỹ. Nó được công bố chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và làm dấy lên một số lo ngại rằng EU đang đi ngược lại đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc của ông Biden.
Mặc dù vậy, ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ không buộc các đồng minh phải lựa chọn giữa họ và Trung Quốc. Ông cảnh báo về hành vi đe dọa của Bắc Kinh, nhưng nói "điều đó không có nghĩa là các quốc gia không thể làm việc với Trung Quốc nếu có thể, chẳng hạn như về các thách thức như biến đổi khí hậu và an ninh y tế".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này không “coi Trung Quốc là kẻ thù," nhưng tất nhiên sự trỗi dậy của Trung Quốc có hậu quả trực tiếp đối với an ninh của họ. Ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào các thiết bị quân sự, bao gồm cả tên lửa có khả năng mang hạt nhân.