Mỹ, Nhật, Hàn Quốc sẵn sàng tăng cường chiến lược ô hạt nhân

(PLO)-  Việc tăng cường mở rộng năng lực hạt nhân đảm bảo cho Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đối phó hiệu quả một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Nikkei Asia hôm 31-5 đưa tin Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đang nỗ lực tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân chung, có thể liên quan việc Hàn Quốc tái khởi động những cuộc tập trận chung với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong (trái), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) và Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi (phải). Ảnh: YONHAP
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong (trái), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) và Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi (phải). Ảnh: YONHAP

Trong chuyến công du châu Á hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và hai nhà lãnh đạo của Nhật và Hàn Quốc đã xác nhận sự sẵn sàng cho việc kích hoạt lại các cuộc đàm phán về “năng lực răn đe mở rộng” - thuật ngữ dùng để mô tả chiếc ô hạt nhân.

Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể được sử dụng tại bất kỳ thời điểm nào. Điều đó có nghĩa mối đe dọa về sự huỷ diệt được đảm bảo lẫn nhau sẽ ngăn cản một cường quốc hạt nhân khác tấn công vào các mục tiêu của Mỹ. Với “năng lực răn đe mở rộng”, năng lực hạt nhân của Mỹ có thể cung cấp cho các đồng minh không có vũ khí hạt nhân.

Tham vọng tăng cường chiếc ô hạt nhân của Washington xuất phát từ tâm lý khủng hoảng về an ninh Đông Á. Lầu Năm Góc dự báo Trung Quốc có thể sẽ sở hữu ít nhất 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030, trong khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sớm tiến hành vụ thử tên lửa lần thứ bảy trong năm nay.

Đồng thời, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đối với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, việc xem xét lại chiến lược răn đe hạt nhân là cấp thiết trước những mối đe dọa từ các quốc gia hạt nhân Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga.

Hàn Quốc cứng rắn hơn về an ninh

Washington đặc biệt quan tâm tới việc khôi phục chiếc ô hạt nhân tại Hàn Quốc. Chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Moon Jae-in đã cố gắng hạn chế sự can dự quân sự của Mỹ cũng như tránh xa các cuộc tập trận quân sự lớn của Mỹ nhằm thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên.

Tuy nhiên chính quyền tân Tổng thống Yoon Suk-yeol thúc đẩy một lập trường cứng rắn hơn về an ninh quốc gia. Ông Yoon đặt ưu tiên cho chiếc ô hạt nhân của Mỹ và bày tỏ mong muốn tăng cường khả năng răn đe của liên minh Mỹ-Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại lễ nhậm chức. Ảnh: YONHAP

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại lễ nhậm chức. Ảnh: YONHAP

Hàn Quốc đã đồng ý nối lại Nhóm Tham vấn và Chiến lược Răn đe Mở rộng với Mỹ. Các cuộc đàm phán cấp cao giữa các quan chức quốc phòng và ngoại giao hai nước đã không diễn ra kể từ tháng 1-2018.

Washington xem sự nhậm chức của Tổng thống Yoon là cơ hội xích lại gần hơn với Seoul, đồng thời là một nền tảng cho việc nâng cấp chiếc ô hạt nhân dựa trên các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Vào năm 2017, Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận Tia chớp Xanh ở Hàn Quốc với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52. Tuy nhiên vào năm 2018, Hàn Quốc đã từ chối tham gia vào cuộc tập trận Tia chớp Xanh, dẫn tới việc cuộc tập trận này bị đình chỉ trong năm năm.

Một số máy bay B-52 có thể được trang bị vũ khí hạt nhân. Bằng cách vận hành các máy bay ném bom trong các cuộc tập trận chung, Mỹ có thể dự đoán khả năng triển khai vũ khí hạt nhân cho một đồng minh. Nếu không có các cuộc tập trận chung, có nguy cơ khả năng hoạt động sẽ bị ảnh hưởng và làm suy giảm độ tin cậy của chiếc ô hạt nhân.

Phó giám đốc Văn phòng An ninh quốc Hàn Quốc Kim Tae-hyo đã ám chỉ về khả năng nối lại các cuộc tập trận chung.

“Sự đào tạo, chuẩn bị và áp dụng chiếc ô hạt nhân hiệu quả sẽ tăng cường năng lực răn đe mở rộng” - ông Kim cho biết.

Tín hiệu tích cực cho Nhật

Sự thay đổi bối cảnh chính trị của Hàn Quốc sẽ có những tác động tới Nhật. Từ tháng 7-2018 đến tháng 3-2021, Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật đã năm lần tham gia vào các cuộc tập trận B-52. Hơn thế, chỉ trong 12 tháng qua, đã có tới sáu cuộc tập trận được Nhật công bố. Điều này cho thấy với sự vắng mặt của Hàn Quốc, Nhật đã tăng cường lấp đầy khoảng trống.

Giáo sư Narushige Michishita tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo cho biết Nhật đang đối đầu với một chiến lược hai mặt trận liên quan tới bán đảo Triều Tiên và Đài Loan.

Theo ông, nếu chính quyền mới tại Seoul xích lại với Mỹ để tăng cường năng lực răn đe hạt nhân thì Nhật có thể dành nguồn lực tập trung cho Đài Loan.

Mở rộng các cuộc tập trận chung sẽ nâng cao năng lực tác chiến của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Bộ ba sẽ có thể đối phó hiệu quả đối với một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc.

“Mỹ, Nhật và Hàn Quốc phải có cùng quan điểm về chiến lược để họ có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong trường hợp khẩn cấp” - giáo sư Michishita cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm