Gần một tuần sau khi Venezuela thành lập Quốc hội Lập hiến mà Mỹ gọi là ban siêu quyền lực viết lại hiến pháp, trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro, ngày 9-8, Mỹ ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào 8 chính trị gia Venezuela có vai trò trong việc này.
Các chính trị gia này sẽ bị phong tỏa tài sản tại Mỹ, bị cấm di chuyển đến Mỹ, không được làm ăn với công dân Mỹ. Trong số các chính trị gia này có ông Adan Chavez, em trai cố Tổng thống Hugo Chavez. Bộ Ngoại giao Venezuela lên án lệnh trừng phạt là hành động hiếu chiến của Mỹ.
Một số chuyên gia nhận định việc trừng phạt các cá nhân này ảnh hưởng không nhiều đến chính sách của ông Maduro. Trừng phạt ngành dầu mỏ là cách duy nhất khiến chính phủ Venezuela nghĩ lại. Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ cho biết Washington vẫn đang cân nhắc có nên trừng phạt ngành dầu mỏ Venezuela hay không, khi điều đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho kinh tế Venezuela vốn đã khủng hoảng nhiều năm nay.
Biểu tình chống chính phủ ở Caracas (Venezuela) ngày 8-8. Ảnh: REUTERS
Quốc hội Lập hiến được thành lập ngày 4-8. Các luật, quyết định do hội đồng này thông qua sẽ không cần phải có sự đồng ý của Quốc hội. Sau khi được thành lập ngày 4-8, Quốc hội Lập hiến Venezuela đã có hành động đầu tiên: Sa thải Bộ trưởng Tư pháp nước này vốn cáo buộc ông Maduro vi phạm nhân quyền, nghi ngờ có gian lận trong quá trình bỏ phiếu lập hội đồng này. Động thái này càng khẳng định lo ngại của phe đối lập Venezuela rằng hội đồng sẽ mạnh tay thanh trừng bộ phận phản đối ông Maduro.
Trong khi đó Tòa án Tối cao Venezuela đẩy nhanh việc khởi tố các chính trị gia đối lập. Đã có 4 thị trưởng nước này bị khởi tố chỉ trong 15 ngày qua. Vị thị trưởng thứ 5 cũng sắp sửa ra tòa.
Ông Maduro nói hội đồng sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho Venezuela. Tuy nhiên, với Mỹ và nhiều nước châu Mỹ khác, đây là một hình thức nhằm củng cố quyền lực cho ông Maduro.
Ngày 8-8, Canada, Brazil, Argentina, Mexico, Chile, Colombia cùng ra tuyên bố chung lên án Venezuela phá vỡ trật tự dân chủ, sẽ không công nhận bất kỳ quyết định nào của hội đồng này.
Biểu tình liên tục diễn ra ở Venezuela từ tháng 4, yêu cầu ông Maduro từ chức vì không giải quyết được khủng hoảng kinh tế khiến nước này nhiều năm liền chìm trong cảnh thiếu thực phẩm, thuốc men, lạm phát quá cao. Trong 4 tháng đã có hơn 125 người chết vì bạo lực biểu tình.