Trong chuyến công du Trung Đông vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng thống Israel - ông Isaac Herzog và người thân của các con tin người Mỹ bị Hamas bắt. Khi rời khách sạn ở Tel Aviv, ông Blinken đã bắt tay những người biểu tình tụ tập bên ngoài khách sạn nhằm kêu gọi đạt thỏa thuận con tin.
Khi ấy, vị Ngoại trưởng Mỹ nhìn thẳng vào những người biểu tình và nói rằng Hamas nên đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin được các nhà hoà giải Ai Cập đưa ra, theo tờ The New York Times.
“Đưa những người thân yêu của các bạn về nhà là trọng tâm mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện và chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tất cả mọi người – đàn ông, phụ nữ, quân nhân, thường dân, trẻ, già – đều trở về nhà” – ông Blinken nói.
Việc công khai thể hiện sự đồng cảm với những người biểu tình là điều mà Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu tránh thực hiện kể từ khi cuộc xung đột Israel- Hamas nổ ra vào tháng 10-2023. Gần đây, ông Netanyahu nhiều lần bình luận công khai về việc đổ bộ TP Rafah (nam Gaza), “dù có hay không” một thỏa thuận ngừng bắn.
Đây không phải lần đầu tiên ông Netanyahu khẳng định sẽ tấn công thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza, song các quan chức Mỹ rất ngạc nhiên về thời điểm ông đưa ra bình luận. Theo The New York Times, vào thời điểm này, đe dọa đổ bộ Rafah khó có thể khiến Hamas chấp nhận thỏa thuận.
Mỹ-Israel bất đồng về kế hoạch đổ bộ Rafah
Gần 7 tháng sau khi cuộc chiến nổ ra, các mục tiêu và nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Israel dường như ngày càng xa cách nhau.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn Hamas thả khoảng 30 con tin trong vòng vài tuần, Israel và Hamas ban hành lệnh ngừng bắn tạm thời, để từ đó hai bên có thể đi đến thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và thả nhiều con tin hơn. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đồng ý tham gia các nỗ lực tái thiết và an ninh tại Gaza, cũng như bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel sau xung đột.
Các quan chức Israel gần đây cũng linh hoạt điều chỉnh các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. Họ nói rằng có thể giảm số lượng con tin mà Hamas phải thả từ 40 xuống còn 33, sau vòng đàm phán này. Tuy nhiên, ông Netanyahu không đồng ý về việc thực hiện ngừng bắn vĩnh viễn và công khai tuyên bố loại bỏ Hamas khỏi Rafah.
Các quan chức Mỹ phản đối việc Israel đổ bộ Rafah. Phía Mỹ cho rằng Israel nên thực hiện các hoạt động có mục tiêu chính xác chống lại các lãnh đạo Hamas, chứ không phải thực hiện một cuộc tấn công lớn. Ông Matthew Miller – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khi ông Blinken gặp ông Netanyahu ở Jerusalem hôm 1-5, ông Blinken đã nhắc lại “lập trường rõ ràng” của Mỹ về vấn đề Rafah.
Trên thực tế, ông Blinken cũng đang đối mặt nhiều thử thách trong việc giải quyết vấn đề Gaza. Hôm 29-4, ngày đầu tiên của chuyến công du Trung Đông, tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), ông Blinken đã thảo luận về việc thả con tin và kế hoạch tái thiết sau chiến sự ở Gaza.
Sau đó, tại Jordan hôm 30-4, ông Blinken thảo luận với các quan chức nước này về vấn đề viện trợ nhân đạo. Khi các phóng viên hỏi về việc ông Netanyahu nhất quyết tấn công Rafah, ông Blinken cho biết thỏa thuận ngừng bắn và viện trợ nhân đạo là “trọng tâm” trong các nỗ lực của Mỹ.
Những người biểu tình Israel bên ngoài khách sạn của ông Blinken ở Tel Aviv cũng có cùng quan điểm. Họ đặt hy vọng vào chính phủ Mỹ hơn là chính phủ Israel.
“S.O.S. Mỹ, chỉ có các bạn mới có thể giải quyết tình hình. Cảm ơn ông Biden, cảm ơn ông Blinken” – những người biểu tình hô vang.
Thế khó của ông Netanyahu
Ông Biden và ông Netanyahu cũng đang có quan điểm khác nhau về giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập niên qua. Phía Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Mỹ cũng đề nghị Saudi Arabia đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel nhưng chỉ khi chính phủ Israel cam kết thực hiện giải pháp hai nhà nước. Ông Netanyahu và nhiều người Israel phản đối đề xuất này.
Tuy nhiên, ông Biden vẫn duy trì sự ủng hộ chung đối với Israel trong xung đột hiện nay và không đặt ra các điều kiện về viện trợ quân sự hoặc bán vũ khí.
Trong khi đó, ông Netanyahu phải đối mặt một loạt lựa chọn mâu thuẫn lẫn nhau. Theo The New York Times, ông Netanyahu bị kẹt giữa các đề nghị của Mỹ và các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền của ông – những người đóng vai trò rất quan trọng cho sự tồn tại của chính phủ Israel hiện tại.
Các bộ trưởng cực hữu trong chính phủ Israel đe dọa sẽ từ chức nếu kế hoạch đổ bộ Rafah bị đình chỉ. Bộ trưởng Tài chính Israel – ông Bezalel Smotrich gọi thỏa thuận thả con tin là “một sự đầu hàng nguy hiểm của Israel và một chiến thắng khủng khiếp cho Hamas”.
Trong khi đó, hôm 30-4, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel – ông Itamar Ben-Gvir cho biết đã “cảnh báo” ông Netanyahu về hậu quả của việc không đổ bộ Rafah và đồng ý với một “thỏa thuận liều lĩnh” chấm dứt xung đột.
Về phía người dân Israel, họ vừa mong các con tin được thả, vừa mong có thể loại bỏ Hamas.
Một cuộc thăm dò do đài Kan (Israel) thực hiện gần đây cho thấy 54% số người Israel được hỏi ủng hộ thỏa thuận thả những con tin dễ bị tổn thương nhất và ngừng bắn 40 ngày. Trong khi đó, 47% người được hỏi cho biết họ ủng hộ thỏa thuận thả tất cả con tin và chấm dứt xung đột.
Ông Nachman Shai – chuyên gia về ngoại giao và an ninh của Israel cho biết: “Tương lai chính trị của ông Netanyahu phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến. Ông ấy không thể giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc”.