Dù cho Triều Tiên đang phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhưng việc Mỹ đưa nước này trở lại danh sách tài trợ khủng bố sẽ gây ra một tác động lớn hơn, phó phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Eugene nhận định. Các áp lực sẽ ngày càng cứng rắn hơn.
Đưa vào “danh sách đen”
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho rằng những động thái gần đây của Triều Tiên có thể tạo cơ sở để Mỹ liệt nước này vào danh sách các nước tài trợ khủng bố, nhất là nghi án người đàn ông Triều Tiên mang hộ chiếu có tên Kim Chol bị ám sát hồi tháng 2 tại Malaysia.
“Đó là một lựa chọn đang được cân nhắc. Do đó, nội các của Tổng thống Trump đang coi đó là một phần của chiến lược toàn diện đối với Triều Tiên. Vì đang được xem xét nên thông báo đó sẽ sớm được phát đi, tôi cho là vậy” - ông McMaster nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Dự luật trừng phạt của Mỹ được thông qua hồi tháng 8 có điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này phải thông báo cho Quốc hội trong vòng 90 ngày về việc Triều Tiên có nằm trong danh sách các nước tài trợ khủng bố hay không. Trước hạn chót hôm 2-11, chính phủ Tổng thống Donald Trump đã gia hạn ngày ra quyết định. Theo tờ Politico, ông Trump đã gặp phải áp lực từ một nhóm các nghị sĩ trong Quốc hội muốn đưa Triều Tiên trở lại “danh sách đen” vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Các nghị sĩ cũng cho rằng cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier cũng là lý do mạnh mẽ để đưa Triều Tiên trở lại danh sách.
Hồi tháng 10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ đưa ra kết luận sau khi xem xét cẩn thận tất cả bằng chứng phù hợp với các tiêu chí đề ra. “Bộ Ngoại giao sẽ có hành động ngay lập tức nếu các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Triều Tiên có các tiêu chí đã định và là một quốc gia tài trợ khủng bố” - phát ngôn viên cơ quan này cho biết.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster (trái) khẳng định chính phủ Mỹ đang cân nhắc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Ảnh: AP
Hôm 3-11, hai máy bay ném bom Mỹ B-1B đã tiến hành diễn tập trong khu vực gần bán đảo Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông McMaster cũng cho biết các giải pháp quân sự đối phó Triều Tiên sẽ được hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn bàn bạc trong cuộc hội đàm tuần tới tại thủ đô Seoul, trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Trump.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng cho hay “ông Trump đã thừa nhận rằng Mỹ đang dần hết thời gian đối phó với Triều Tiên và sẽ yêu cầu tất cả quốc gia phải hành động nhiều hơn nữa”. Tuy nhiên, theo ông, Mỹ vẫn sẵn sàng dành thêm “vài tháng” để đánh giá tình hình. “Ông Trump sẽ thúc giục các quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với Bình Nhưỡng, thuyết phục các nhà lãnh đạo rằng việc theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ nhận về một kết cục bi thảm. Ngài tổng thống cũng sẽ nhắc nhở đồng minh và đối thủ của mình rằng Mỹ sẵn sàng tự vệ cũng như bảo vệ đồng minh bằng tất cả khả năng có thể” - ông McMaster nói.
Hôm 3-11, cùng với một số chiến đấu cơ từ Hàn Quốc và Nhật Bản, hai máy bay ném bom B-1B của Mỹ từ đảo Guam đã đến khu vực gần bán đảo Triều Tiên để diễn tập. Động thái này đã khiến Bình Nhưỡng tức giận. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã cáo buộc Mỹ triển khai các máy bay ném bom nhằm “đe dọa và tống tiền” chính quyền Bình Nhưỡng, cũng như “diễn tập tấn công hạt nhân nhằm vào Triều Tiên”.
Theo hãng tin Yonhap, để liệt một quốc gia vào danh sách các nước tài trợ khủng bố, ngoại trưởng Mỹ phải có bằng chứng cho thấy chính phủ của quốc gia này đã liên tục hỗ trợ khủng bố quốc tế. Triều Tiên từng được liệt vào danh sách các nước tài trợ khủng bố hồi năm 1988, sau vụ đánh bom máy bay khiến 115 người thiệt mạng. Mỹ đã loại Triều Tiên khỏi danh sách vào năm 2008 dưới thời Tổng thống George W. Bush nhằm cứu vãn thỏa thuận hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 7, Mỹ giữ nguyên quyết định loại Bình Nhưỡng khỏi danh sách này. Hiện nay chỉ có ba quốc gia còn nằm trong danh sách này bao gồm Iran, Syria và Sudan. ____________________________________ Ngoại giao là nỗ lực chính lúc này nhưng đó là ngoại giao với các nước có thể nhận ra mối đe dọa nghiêm trọng và đang hợp tác đối phó mối đe dọa này. H.R. MCMASTER, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói về giải pháp đối với chương trình hạt nhân và |