Mỹ sắp gửi Ukraine những loại vũ khí nào, uy lực sao?

(PLO)- Nhiều hệ thống tối tân như HIMARS, Stinger, Javalin,... đang trên đường tới Ukraine có uy lực rất lớn và ít nhiều đã chứng minh hiệu quả trong quá trình chiến đấu với Nga thời gian qua.

Sau nhiều tháng trì hoãn, viện trợ quân sự của Mỹ một lần nữa lại đến Ukraine với số lượng đáng kể.

Ngày 24-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD, đài CNN đưa tin. Trong đó, Mỹ viện trợ 60,84 tỉ USD cho Ukraine, 26 tỉ USD cho Israel và 9,1 tỉ USD cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngay sau khi ông Biden ký thành luật gói viện trợ trên, Bộ Quốc phòng Mỹ lập tức công bố đợt viện trợ đầu tiên trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine, tập trung vào đạn dược và thiết giáp, theo tờ The Kyiv Independent.

Quân Ukraine khai hoả hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp trong cuộc chiến với Nga. Ảnh: GETTY IMAGES

Lầu Năm Góc cho biết rằng đợt hỗ trợ an ninh mới này sẽ đáp ứng “các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng” của Ukraine.

“Gói này sẽ tăng cường đạn dược, vũ khí và thiết bị để hỗ trợ khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ tiền tuyến và các thành phố của họ, cũng như chống lại các cuộc tấn công liên tục của Nga” - Lầu Năm Góc cho biết.

Tiếp đó, đến ngày 26-4, Nhà Trắng cũng công bố gói viện trợ quân sự trị giá 6 tỉ USD nhưng các thiết bị được cam kết trong đợt này sẽ không đến từ kho dự trữ hiện có của Mỹ. Thay vào đó, những vũ khí và vật tư quân sự này sẽ được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng, nghĩa là chúng sẽ mất nhiều thời gian hơn (hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm) mới tới được tiền tuyến Ukraine.

Dưới đây là chi tiết những vũ khí nằm trong đợt viện trợ 1 tỉ USD của Lầu Năm Góc, và hiện đang trên đường tới chiến trường Ukraine.

Tên lửa phòng không RIM-7 và AIM-9M

Tên lửa phòng không RIM-7 và AIM-9M, thường được gọi là tên lửa Sea Sparrow và Sidewinder. Cả hai đều là vũ khí phòng không hiệu quả cao, có thể nhắm mục tiêu cả máy bay và tên lửa của đối phương.

Sea Sparrow thường được bắn từ bệ phóng trên tàu chiến, trong khi Sidewinder được phóng từ máy bay chiến đấu.

Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sở hữu số lượng lớn cả hai loại tên lửa này, nhưng việc đưa chúng tới Ukraine đang gặp một trở ngại lớn. Theo The Kyiv Independent, Ukraine không có tàu chiến để phóng Sea Sparrow và các máy bay chiến đấu thời Liên Xô mà Ukraine hiện sở hữu cũng không tương thích với các hệ thống tên lửa của phương Tây.

Để đáp ứng nhu cầu hiện tại với những thiết bị trên, Mỹ và Ukraine đã chuyển sang một giải pháp nhanh chóng, đó là hệ thống phòng không lai ghép FrankenSAM. Hệ thống này kết hợp các tên lửa do phương Tây chế tạo với các bệ phóng và radar do Liên Xô thiết kế.

Theo giới truyền thông, thông qua FrankenSAM, Ukraine đã điều chỉnh hệ thống phòng không BUK-M1 để bắn tên lửa Sea Sparrow và hệ thống tên lửa đất đối không OSA-AKM cho Sidewinder.

Phía Ukraine và đồng minh cũng đang triển khai thêm một dự án FrankenSAM mới, kết hợp các hệ thống Patriot với các hệ thống radar thời Liên Xô.

Tên lửa phòng không Stinger

Tên lửa phòng không Stinger là hệ thống phòng không vác vai mà lực lượng mặt đất có thể triển khai nhanh chóng trong lúc chiến đấu, còn được gọi là hệ thống phòng không cầm tay (MANPADS).

Cảnh quay quân Ukraine khai hoả hệ thống MANPADS bắn hạ tên lửa hành trình của Nga hồi tháng 3. Nguồn: X

Hệ thống này sử dụng thiết bị tìm kiếm hồng ngoại để khóa mục tiêu, thường là máy bay và trực thăng của đối phương bay thấp.

Lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng hệ thống này bắn hạ thành công tên lửa hành trình của Nga.

Ngoài ra, trong gói đợt viện trợ 1 tỉ USD còn có các phiên bản chống tăng của Stinger, gọi là Javelin - loại súng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn lực lượng Nga trong trận đánh ở thủ đô Kiev.

Vũ khí nhỏ và các loại đạn vũ khí nhỏ bổ sung

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, đợt viện trợ này có vũ khí nhỏ và các loại đạn vũ khí nhỏ bổ sung cho Ukraine, bao gồm đạn cỡ nòng 12,7 mm để chống lại hệ thống bay không người lái của Nga.

Các loại vũ khí và đạn nhỏ này rất cần thiết đối với quân đội Ukraine ở tiền tuyến. Chúng là một phần quan trọng trong hệ thống phòng không đơn giản nhưng vẫn hiệu quả của Ukraine, được dùng để bắn hạ máy bay không người lái (UAV) cảm tử của Nga trên tiền tuyến.

Đạn bổ sung cho HIMARS

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) đã thay đổi cuộc chơi đối với Ukraine khi lần đầu tiên tới chiến trường Ukraine vào mùa hè năm 2022, cho phép Kiev nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga ở phía sau chiến tuyến, và đòn tấn công cũng chính xác hơn nhiều so với trước đây.

Hệ thống vũ khí này là hệ thống phóng nhiều hoả tiễn cùng lúc, được gắn trên khung gầm xe tải FMTV 6x6. Hoả lực của HIMARS là rất khủng khiếp, và khả năng cơ động cũng rất cao.

Các hoả tiễn của HIMARS được dẫn đường bằng radar, với tầm bắn khoảng 70 km. Khi kết hợp với tính năng cơ động cao, đây là hệ thống "vừa bắn vừa chạy" lý tưởng để nhắm mục tiêu vào các kho chứa vũ khí và sở chỉ huy của đối phương.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là các bệ phóng HIMARS cũng có thể bắn tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS). Theo The Kyiv Independent, Mỹ đã bí mật chuyển hơn 100 tên lửa trong số này tới Ukraine vào tuần trước, một số trong số đó đã được sử dụng ngay lập tức để tấn công một sân bay quân sự của Nga ở TP Dzhankoi (bán đảo Crimea).

Đạn pháo 155 mm

Theo The Kyiv Independent, đạn pháo 155 mm đứng đầu danh sách những vũ khí, đạn dược Ukraine đang cần nhất lúc này.

Trong nhiều tháng nay, Kiev liên tục cảnh báo về tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng trên tiền tuyến, điều này đã tạo cơ hội cho các lượng Nga giành được tiến bộ trên chiến trường và thậm chí còn được cho là nguyên nhân khiến TP Avdiivka (tỉnh Donetsk) thất thủ hồi tháng 2.

Không có gì quá xa lạ về đạn pháo 155 mm. Chúng đã được sử dụng trong các cuộc chiến trong hơn một thế kỷ qua.

Trên thực tế, loại đạn này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine. Điều này cho thấy rằng bất chấp tất cả những tiến bộ trong công nghệ quân sự, việc tấn công lẫn nhau bằng pháo binh theo kiểu cũ vẫn có thể tạo nên hoặc phá vỡ một trận chiến.

Một binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyến tỉnh Donetsk. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo The Kyiv Independent, ước tính 80% thương vong của cả hai bên Nga và Ukraine là do pháo binh gây ra.

Trong bản thống kê của Lầu Năm Góc còn có “đạn cải tiến có khả năng nổ cao và mục đích kép”, hay còn gọi là bom chùm. Khi Mỹ viện trợ bom chùm cho Ukraine hồi năm ngoái đã tạo làn sóng tranh cãi lớn, vì cho rằng loại bom này có thể gây nguy hiểm cho dân thường trong khu vực rất lâu sau khi chiến sự kết thúc.

Mặc dù không đủ để tạo nên thành công cho cuộc phản công năm ngoái, nhưng bom chùm do Mỹ cung cấp đã giúp Ukraine phá hủy các đơn vị đồn trú của Nga tại nhiều khu vực chủ chốt trên chiến tuyến.

Đạn pháo 105 mm

“Em trai” của đạn pháo 155 mm, đạn 105 mm được sử dụng cho các loại lựu pháo nhỏ hơn như M101, M118 của Mỹ, M119 của Anh và OTO Melara của Ý. Ukraine hiện đang sở hữu tất cả các lựu pháo này.

Mặc dù kém uy lực hơn và có tầm bắn ngắn hơn đạn pháo 155 mm, nhưng đạn 105 mm vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh trên chiến trường. Phương Tây được cho là có nhiều đạn 105 mm, do đó sẽ không lo thiếu hụt nguồn cung khi gửi chúng tới Ukraine.

Xe chiến đấu bộ binh Bradley

Được trang bị pháo Bushmaster cực mạnh, tên lửa chống tăng dẫn đường và có thể chở 8 binh sĩ, Bradley là một phương tiện chiến đấu bộ binh (IFV) cực kỳ linh hoạt và đã trở thành một ngôi sao trên chiến trường mà giới quân sự Ukraine hiện có.

Một đoạn video gần đây lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Bradley đang giải cứu những người lính bị thương khỏi chiến trường, nã đạn dữ dội vào các vị trí của Nga gần đó và rút lui nhanh chóng.

Video quân Ukraine sử dụng xe chiến đấu bộ binh Bradley tiêu diệt xe tăng T-90M của Nga. Nguồn: BỘ QUỐC PHÒNG UKRAINE

Ấn tượng hơn nữa, vào đầu năm nay, hai chiếc Bradley đã giao chiến với xe tăng T-90M - một trong những xe tăng tiên tiến nhất của Nga và sau đó tiêu diệt hoàn toàn T-90M.

Không rõ Mỹ sẽ gửi thêm bao nhiêu chiếc Bradley được chuyển đến Ukraine.

Bom đạn bay chính xác

Bom đạn bay chính xác là một thuật ngữ mơ hồ có thể bao gồm nhiều loại vũ khí khác nhau. Giả sử đối với hệ thống ATACMS, thì nó là bom tấn công trực diện phối hợp JDAM.

JDAM là một loại bom thông minh được phóng từ máy bay nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất. Sử dụng hướng dẫn GPS, bom này có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 5 m.

Năm ngoái, phát ngôn viên Không quân Ukraine khi đó là ông Yurii Ihnat xác nhận rằng Ukraine đang sử dụng chúng.

“Những quả bom này kém uy lực hơn một chút nhưng có độ chính xác cực cao. Chúng tôi muốn có thêm những quả bom này để tăng cường sức mạnh trên mặt trận” - ông Ihnat nói.

Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ tất cả các loại vũ khí Mỹ đang chuyển tới Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đợt viện trợ này còn có các phương tiện chống mìn (MRAP), phương tiện bánh lốp đa năng có tính cơ động cao (HMMWV), phương tiện hỗ trợ hậu cần, mìn Claymore và thiết bị nhìn đêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới