Theo kênh CNN ngày 30-10, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gây sức ép lên các đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để các nước này cùng Mỹ kiểm soát chương trình hạt nhân của Trung Quốc.
Động thái này được Washington đưa ra nhằm hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trong cuộc họp với các đồng minh NATO vào tuần trước, đặc phái viên hàng đầu về kiểm soát vũ khí của Tổng thống Trump - ông Marshall Billingslea kêu gọi các đồng minh áp đặt các quy định kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn đối với Bắc Kinh.
Chính quyền ông Trump đang tìm cách thuyết phục Trung Quốc tham gia một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, các nỗ lực gia hạn thỏa thuận với Nga đã được tiến hành nhanh chóng và đang được thực hiện mà không có sự tham gia của Bắc Kinh.
Phía Trung Quốc đang cho thấy họ không muốn tham gia các cuộc đàm phán trong thời điểm chỉ còn bốn ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trung Quốc là mối nguy lớn nhất
Nỗ lực của ông Billingslea là một phần trong mục tiêu của Washington nhằm khẳng định rằng không phải Nga mà Trung Quốc mới là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt là sau sự bùng phát dịch COVID-19 và tình trạng suy thoái kinh tế trong nước mà ông Trump quy trách nhiệm cho Bắc Kinh.
Ông Billingslea kêu gọi các đồng minh áp đặt trừng phạt đối với Trung Quốc vì mở rộng chương trình hạt nhân, tương tự như cách mà các nước đồng minh đã làm với việc phát triển mạng 5G của Bắc Kinh.
Chính quyền ông Trump lập luận rằng những nỗ lực tăng quy mô hạt nhân của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Mỹ và các đồng minh phải thực hiện các hành động phòng thủ phủ đầu. Các hành động này bao gồm triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa bổ sung để chống lại hàng nghìn tên lửa mà Trung Quốc được cho là đang chế tạo.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng nói rằng việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc hợp pháp hóa việc mở rộng khả năng tấn công sâu của Washington để đẩy lùi các tiểu đoàn tên lửa của Bắc Kinh.
"Không giống như Mỹ và Nga - nơi các chương trình hạt nhân có sự khác biệt về chức năng và đặc trưng tùy vào mục đích là dành cho quân sự hay dân sự, Trung Quốc phối hợp mọi thứ lại với nhau. Vì vậy, tất cả chương trình hạt nhân dân sự của nước này đều dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh" - một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN.
Họ lưu ý rằng Trung Quốc "có một học thuyết gọi là hợp nhất dân sự và quân sự. Học thuyết này nói rằng bất kỳ công ty dân sự nào cũng phải cung cấp công nghệ cho các ứng dụng quân sự theo yêu cầu của Bắc Kinh. Đây là là một điều đáng báo động".
Lời kêu gọi của Mỹ khó thành sự thật
Là một phần trong thông điệp gửi tới các đồng minh NATO, ông Billingslea đã trình chiếu một loạt hình ảnh vệ tinh mô tả sự mở rộng chương trình hạt nhân của Trung Quốc trong một thập niên qua. Tuy nhiên, những hình ảnh này không mang tính tiết lộ đặc biệt, cũng như không đưa ra bất kỳ thông tin mới nào để các đồng minh cân nhắc về việc kiểm soát hạt nhân của Trung Quốc.
Ông Jeffrey Lewis - Giám đốc Dự án Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết: 'Các hình ảnh này không tiết lộ bí mật gì lớn. Công việc ở Tửu Tuyền và Jintai là một phần trong chương trình tái chế plutonium từ các lò phản ứng hạt nhân dân dụng của Trung Quốc. Trung Quốc đã công bố công khai công trình này".