Mỹ tìm ngân sách đối phó Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo ông có thể sẽ đề nghị tổng thống không phê chuẩn Đạo luật Thẩm quyền quốc phòng nếu hai viện Quốc hội đưa ra dự luật ngân sách quốc phòng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin ông Ashton Carter phát biểu như trên tại cuộc triển lãm hải quân ở Maryland hôm 17-5 (giờ địa phương).

Ông nhắc đến năm thách thức gồm: Tình hình vũ trang của Nga, đặc biệt ở châu Âu; Trung Quốc bành trướng, nhất là ở biển Đông; CHDCND Triều Tiên đeo đuổi và khiêu khích hạt nhân; Iran xâm lấn ảnh hưởng xấu ở vùng Vịnh; chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống IS.

Ông giải thích để đối phó với năm thánh thức này, ngân sách của Bộ Quốc phòng sẽ tập trung đầu tư cho các thiết bị trọng điểm và công nghệ mới. Ông nhấn mạnh hải quân là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Cùng ngày tại Washington, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương, tiếp tục nhận xét về hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại cuộc triển lãm hải quân ngày 17-5. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ông nói: “Chúng ta phải cộng tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực có thể nhưng chúng ta cũng phải đối phó với Trung Quốc khi cần… Một số hoạt động của họ ở biển Đông rơi vào trường hợp này”.

Liên quan đến CHDCND Triều Tiên, ông khẳng định không có đe dọa nào trong khu vực nguy hiểm hơn Triều Tiên, vì thế Mỹ, Nhật và Hàn Quốc hợp tác ba bên để củng cố phòng thủ.

Ông cho biết ba nước đã quyết định xây dựng thỏa thuận về trao đổi thông tin ba bên, dự kiến tập trận phòng thủ chống tên lửa và tiếp tục thảo luận về bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao ở Hàn Quốc.

Giữa lúc cộng đồng quốc tế lo ngại Trung Quốc quân sự hóa ở biển Đông, báo South China Morning Post ghi nhận Trung Quốc đã nhận thêm hậu thuẫn từ quân đội Pakistan.

Ngày 17-5, trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh trong hai ngày, tướng Raheel Sharif, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan, tuyên bố sẽ điều động 15.000 quân thuộc chín tiểu đoàn bảo đảm an ninh cho các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện dự án ở Pakistan.

Ngoài ra, tại tỉnh Balochistan, các lực lượng bán quân sự địa phương cũng sẽ hỗ trợ cho quân đội bảo đảm an ninh.

Người phát ngôn quân đội Pakistan khẳng định: “Đối với mọi dự án liên quan đến hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, quân đội sẽ là người hưởng ứng đầu tiên”.

Dự kiến có 12.000-13.000 kỹ sư và công nhân Trung Quốc làm việc cho các dự án và trong tương lai con số này sẽ tăng lên 16.000-17.000 người.

Hôm 17-5 (giờ địa phương), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã điện đàm chúc mừng ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama nhấn mạnh đến các giá trị vốn là nền tảng xây dựng quan hệ vững chắc Mỹ-Philippines, trong đó có các cam kết về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Hai bên đã khẳng định ý chí tiếp tục mối quan hệ phát triển trên cơ sở các nguyên tắc đã nêu.

Trả lời phỏng vấn của GMA News tối 17-5, ông Rodrigo Duterte cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama, ông nói ông bảo đảm Philippines sẽ tiếp tục duy trì các lợi ích chung và sẽ liên minh với phương Tây về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nếu đàm phán đa phương không hiệu quả, ông có thể đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Ông kể Tổng thống Obama đã khuyên ông nên chờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

_____________________________________

46 tỉ USD là giá trị dự án hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, bao gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và ống dẫn dầu chạy từ vùng tây bắc biển Oman của Trung Quốc đến bờ biển Pakistan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm