Mỹ tính cách 'vá' lỗ hổng ngày càng lớn về hậu cần của hải quân

(PLO)- Mỹ tăng cường mạng lưới hậu cần ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để khắc phục những lỗ hổng lớn trong hải quân nước này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần rồi, hải quân Mỹ xác nhận tàu ngầm tấn công nhanh USS Connecticut của nước này, vốn đâm phải núi ngầm trong lúc đi ngang qua Biển Đông hồi năm 2021, sẽ phải ngừng hoạt động trong ít nhất vài năm để chờ sửa chữa, theo hãng tin Bloomberg.

Các báo cáo cho biết hiện USS Connecticut đang mắc kẹt tại một xưởng đóng tàu ở bang Washington để chờ đến lượt bảo dưỡng. Việc sửa chữa mũi tàu và bánh lái sẽ tiêu tốn khoảng 80 triệu USD và khiến tàu ngầm lớp Seawolf phải dừng hoạt động đến ít nhất là năm 2026.

Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf USS Connecticut. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf USS Connecticut. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Bộc lộ nhiều vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng

Việc sửa chữa kéo dài đã bộc lộ các vấn đề về năng lực sửa chữa và bảo dưỡng trang thiết bị mà hải quân Mỹ đang phải đối mặt. Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ, đây từ lâu đã là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng khả năng sẵn sàng chiến đấu. Thống kê của hải quân Mỹ cho hay 18 trong số 49 tàu ngầm tấn công của nước này không sẵn sàng hoạt động vì lý do bảo trì.

Báo cáo của Bloomberg cũng trích dẫn thông báo của hải quân nói rằng sự chậm trễ trong việc sửa chữa tàu ngầm là do "việc lập kế hoạch, sự sẵn có của vật liệu và quá trình thực hiện của nhà máy đóng tàu". Các hoạt động giám sát và quản lý rủi ro hiện cũng đang dưới chuẩn của hải quân.

Thượng nghị sĩ Roger Wicker, đảng viên Cộng hòa thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện nhấn mạnh sự chậm trễ này là "một lời nhắc nhở về các loại đầu tư lớn mà Mỹ cần thực hiện cho cơ sở hạ tầng hàng hải".

Nỗ lực vá lỗ hổng

Theo trang Marine Insight, Mỹ đang hỗ trợ Ấn Độ phát triển cơ sở hạ tầng hải quân và hàng hải để tạo ra một trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng tàu khu vực Ấn Độ Dương. Kế hoạch được 2 bên thông qua sau cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 21-6.

Một bến tàu tại nhà máy đóng tàu Koyagi của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, Nhật. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Một bến tàu tại nhà máy đóng tàu Koyagi của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, Nhật. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp giao ban ngày 22.6, đại diện bộ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay kế hoạch là một phần của hệ sinh thái quốc phòng Ấn Độ - Mỹ nhằm thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược trên diện rộng”.

Trong khi đó, tờ Nikkei Asia cho rằng một khía cạnh khác của bước đi này là nhằm thành lập các trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng tàu hải quân ở Ấn Độ, nơi mà Mỹ và các đồng minh khác có thể sử dụng. Điều này đã giúp Mỹ củng cố mạng lưới của nước này ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược, bởi Washington đang thiếu các cơ sở bảo trì tại đây, trong khi việc đưa về Mỹ thì lại quá xa.

Tại khu vực Thái Bình Dương, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, có trụ sở tại Yokosuka (tỉnh Kanagawa, Nhật), có thể sử dụng các cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng tàu địa phương.

Ở những nơi khác, hải quân Mỹ triển khai 4 tàu tác chiến duyên hải tại Căn cứ Hải quân Changi ở Singapore, nơi nước này cũng vận hành các cơ sở hải quân để hỗ trợ các tài sản hàng hải.

Năm 2023, hải quân Mỹ cũng quay trở lại Vịnh Subic ở Philippines sau nhiều năm gián đoạn vì các vấn đề ngoại giao giữa 2 chính phủ, theo trang Naval Technology.

Với mạng lưới rộng lớn các cơ sở bảo trì và hỗ trợ hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều này sẽ cung cấp các năng lực bổ sung cho các nỗ lực hàng hải của Mỹ và đồng minh, đồng thời ngăn Trung Quốc giành được chỗ đứng ở khu vực chiến lược. Trước đó, kể từ năm 2017, hải quân Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu tăng cường hiện diện tại vùng Sừng châu Phi, Pakistan và của Sri Lanka - tất cả đều ở Ấn Độ Dương, hoặc có vị trí gần Ấn Độ - một bước tính toán có khả năng ảnh hưởng hoạt động của Mỹ ở khu vực này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm