Lần đầu tiên trong bốn năm gần đây, Trung Quốc (TQ) chính thức công bố Sách trắng về chiến lược quốc phòng toàn diện, đồng thời nhấn mạnh Washington đã thay đổi quan điểm và xem Bắc Kinh là “kẻ đối đầu”.
Ngày 24-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm nhấn mạnh TQ sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ quốc gia nào cố gắng tiếp tay cho quá trình giành độc lập của Đài Loan. Cùng ngày, quân đội Mỹ đã cử một chiến hạm di chuyển qua eo biển Đài Loan, một hành động có thể khiến Bắc Kinh nổi giận nhưng nhiều khả năng sẽ được Đài Loan xem là dấu hiệu hỗ trợ từ Washington trong bối cảnh xung đột ngày càng gia tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Thông điệp chính trị của sách trắng
Với tiêu đề “Quốc phòng TQ trong kỷ nguyên mới”, sách trắng được phát hành với mục đích giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về các chiến lược quốc phòng của TQ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Tài liệu chỉ ra rằng việc Mỹ củng cố liên minh quân sự châu Á - Thái Bình Dương và liên tục đổi mới công nghệ nhằm trở thành cường quốc quân sự đã gia tăng cuộc cạnh tranh quân sự toàn cầu. Đặc biệt, lần đầu tiên trong bốn năm gần đây, Bắc Kinh nhấn mạnh Washington đã thay đổi quan điểm an ninh quốc gia và bắt đầu xem TQ là đối thủ.
Nói về chính quyền Tổng thống Donald Trump, bản chiến lược miêu tả Washington đã công kích và tăng cường cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời tăng đáng kể chỉ tiêu quốc phòng, thúc đẩy năng lượng hạt nhân, sức mạnh không gian, phòng thủ tên lửa và gây suy yếu ổn định toàn cầu. Tuy nhiên, sách trắng nhận định tình hình chung ở Thái Bình Dương là “ổn định”.
tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Antietam của Mỹ được nhìn thấy trên biển Đông năm 2016. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia về quân đội TQ Andrew Erickson cho biết Bắc Kinh công bố sách trắng lần này nhằm gửi một thông điệp chính trị hơn là giới thiệu chiến lược quốc phòng mới. “Tài liệu phản ánh những chính sách, mục tiêu, cải cách trong kỷ nguyên tự quyết của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nó nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ổn định tình hình trong nước và khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại biển Đông (một cách vô lý - PV) và tại Đài Loan” - tờ The Washington Post dẫn lời ông Erickson cho biết ngày 24-7.
Sách trắng về chiến lược quốc phòng toàn diện của TQ được cho là sự bày tỏ thái độ không hài lòng của Bắc Kinh với Mỹ nói chung và với “liên minh” Mỹ - Đài Loan nói riêng. Bản tài liệu được công bố trong bối cảnh căng thẳng chưa giảm nhiệt ở tây Thái Bình Dương và những hành động gây tranh cãi của Bắc Kinh nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược trên toàn khu vực, bao gồm cả biển Đông. TQ luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất và tuyên bố hòn đảo này sẽ phải chấp nhận thống nhất với Bắc Kinh theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Quân đội TQ muốn chứng minh sức mạnh của mình với cả Mỹ và Đài Loan, đồng thời phải hành động để củng cố niềm tin của nhân dân trong nước. Nhà phân tích quân sự tại Thượng Hải NI LEXIONG |
Liên minh Mỹ - Đài Loan
Hôm 24-7, quân đội Mỹ đã cử tuần dương hạm Antietam di chuyển qua eo biển Đài Loan. Theo ông Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, việc tàu đi qua eo biển Đài Loan nhằm khẳng định lập trường của Mỹ về sự tự do và rộng mở của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hơn nữa, ông Doss khẳng định hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Được hỏi về hoạt động mới nhất của chiến hạm Mỹ, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định Đài Bắc sẽ không thỏa hiệp về tự do, dân chủ và chủ quyền. “Mọi bên đều có trách nhiệm trong việc ổn định tình hình eo biển và khu vực. TQ có trách nhiệm của họ và chúng tôi cũng thế” - bà Thái Anh Văn trả lời phóng viên ở Đài Bắc.
Trong tháng này, Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt yêu cầu mua vũ khí của Đài Loan, bao gồm xe tăng và tên lửa Stinger với tổng trị giá ước tính khoảng 2,2 tỉ USD. TQ đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty buôn bán vũ khí của Mỹ có liên quan đến thỏa thuận trên và cho rằng quốc gia này “làm gia tăng cạnh tranh quân sự khốc liệt giữa các nước lớn và gây suy yếu ổn định chiến lược toàn cầu”.
Đài Loan là điểm nóng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ Mỹ-TQ. Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi một đạo luật năm 1979, trong đó yêu cầu Washington phải cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Bắc.
Nga, Trung Quốc thử thách liên minh Mỹ-Nhật-Hàn Hôm 23-7, Seoul cho biết một máy bay chiến đấu Nga đã hai lần xâm phạm không phận lãnh thổ của nước này. Sau đó một ngày, Nhà Xanh cho biết Nga thừa nhận đó là sự cố ngoài ý muốn và họ sẽ mở một cuộc điều tra vụ việc này, mặc dù trước đó Bộ Quốc phòng Nga đã giận dữ phủ nhận sự việc. Một số nhà phân tích nhận định ý đồ đằng sau vụ xâm phạm vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc là nhằm thử thách mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc. |