Trả lời Bloomberg tại Phòng Bầu dục hôm 30-8 (giờ Mỹ) về việc liệu kế hoạch đánh thuế khủng lên hàng hóa Trung Quốc (TQ) lần áp thuế thứ ba có sắp thành hiện thực hay không, Tổng thống Trump cười và nói rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Ông chủ Nhà Trắng chỉ trích việc quản lý đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh, cho rằng TQ đã cố ý phá giá đồng nội tệ để ứng phó với suy giảm tăng trưởng kinh tế thời gian gần đây.
Có thể tung ra đòn 200 tỉ USD tuần tới
Hiện các công ty, thành viên của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cũng như cá nhân Mỹ đang trong thời gian thảo luận và đưa ra ý kiến về các đề xuất đánh thuế của Washington với hàng hóa TQ, từ cây gậy chụp ảnh “tự sướng” (selfie) đến mặt hàng chất bán dẫn.
Tổng thống Mỹ có kế hoạch áp thuế lần thứ ba, sau hai lần đầu áp đánh thuế lên tổng lượng hàng hóa trị giá 50 tỉ USD của TQ, sau khi các cuộc thảo luận với công chúng Mỹ kết thúc vào ngày 6-9 tới. Thông tin này được một số nguồn tin thân cận về vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ-TQ tiết lộ hôm 31-8. Nếu trở thành hiện thực, việc mở rộng các gói đánh thuế với hàng hóa TQ sẽ đánh dấu động thái mạnh tay nhất mà Washington nhắm vào Bắc Kinh trong giai đoạn căng thẳng thương mại kéo dài suốt vài tháng qua.
Một số người cho rằng cho đến nay ông Trump vẫn chưa có quyết định cuối cùng về lệnh đánh thuế 200 tỉ USD. Có khả năng Washington sẽ tiếp tục chia nhỏ gói thuế để áp dần lên hàng TQ như hai lần trước: Lần đầu, 34 tỉ USD hồi tháng 7 và lần hai, 16 tỉ USD vào tháng 8. Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ tuyên bố quyết định đánh thuế vào tuần tới nhưng hiệu lực sẽ bắt đầu vào một ngày sau đó.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước vào giai đoạn gay cấn. Ảnh: WSJ
Nội bộ Mỹ mâu thuẫn quan điểm đánh thuế Trung Quốc
Theo bình luận của Bloomberg, các quan chức có hành động cứng rắn nhắm vào TQ trong chính phủ Mỹ ngày càng trở nên uy tín. Một trong số họ là đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, người lập công chính trong chiến thắng thương mại lớn nhất của ông Trump khi đàm phán song phương thành công với Mexico về thương mại thay thế Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) được công bố hôm 27-8 và Canada đang tiến hành đàm phán để cùng tham gia.
Nhưng trong khi phe chống TQ mà điển hình là ông Lighthizer và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đang đốc thúc việc gia tăng thuế với Bắc Kinh thì phe ôn hòa gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đề nghị Mỹ cần thêm thời gian.
Trong khi đó, quan điểm của ông Trump là dừng đàm phán với TQ vì Bắc Kinh thiếu hợp tác, thậm chí “phá hoại” cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Hôm thứ Tư (29-8), ông Trump cáo buộc TQ đã ép buộc Triều Tiên không “cúi đầu” trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Một nguồn tin gần gũi với chính phủ Mỹ tiết lộ ông Trump muốn gia tăng sức ép với TQ, tin tưởng rằng Washington đang ở tình thế “trên cơ” Bắc Kinh. Tuy nhiên, trên Twitter cá nhân, ông Trump lại viết: “Đối với các tranh chấp thương mại cũng như những khác biệt khác (giữa Mỹ và TQ), Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giải quyết. Mối quan hệ và sự ràng buộc giữa họ vẫn rất vững chắc”.
Trung Quốc chuẩn bị kỹ để ứng phó
Các thông tin đánh thuế cùng với khả năng sẽ tiếp tục mạnh tay với hàng hóa TQ của ông Trump dự báo sẽ khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế của TQ giảm sút trong thời gian tới. Bắc Kinh cũng đã đe dọa sẽ trả đũa bằng lệnh đánh thuế lên 60 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ nhưng vẫn chưa có những phản hồi với giới truyền thông về ý định đánh thuế của ông Trump vào tuần tới.
Các thông tin từ giới truyền thông và các chuyên gia cho thấy chính phủ TQ đã hành động nhằm củng cố tinh thần và sức mạnh cho các doanh nghiệp nước này trước sức ép từ các lệnh đánh thuế của Mỹ bằng nhiều giải pháp hỗ trợ khác nhau. Qua đó Bắc Kinh mong muốn giảm thiểu các lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới. “TQ đã chuẩn bị nhiều hơn và kỹ lưỡng hơn cho lần áp thuế (thứ ba) này so với những lần trước đó. Quy mô vòng đánh thuế lần thứ ba này sẽ là rất lớn và khi lệnh áp thuế trở thành hiện thực thì nó sẽ tạo ra sự hoảng loạn trong thị trường tài chính” - ông Gai Xinzhe, nhà phân tích tài chính thuộc Ngân hàng Trung ương TQ, nhận định.
Thị trường tài chính quốc tế bất ổn Sự bất ổn bắt đầu xuất hiện vào hôm qua (31-8) khi thị trường tài chính châu Á suy giảm, sau khi nhiều vụ thua lỗ bắt đầu xảy ra tại Mỹ trước đó - khi chỉ số S&P 500 xuống gần ngưỡng 2.900 điểm. Trong khi đó trái phiếu chính phủ Mỹ, giá trị đồng USD và đồng yen Nhật tiếp tục gia tăng. Tin tức về tính khả dĩ của vòng đánh thuế thứ ba khiến các nhà đầu tư lo ngại trong bối cảnh thị trường tiền tệ Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện nhiều bất ổn. |