Cái cao cơ của Thái Lan không chỉ thể hiện ở khâu bàn thắng và lối thi đấu nhàn hạ như kiểu chơi “banh ma” của đội bóng đương kim vô địch, ở góc độ khác, Thái Lan cứ như “đóng băng” các đôi chân của chủ nhà Myanmar vậy dù chảo lửa Thuwunna rất nóng.
Tuyển Thái Lan đá bán kết như đi dạo... ở Thuwunna.
Đẳng cấp Thái Lan vượt trội so với Myanmar. Nếu như Myanmar đã chơi ngang cơ với Việt Nam, ăn miếng trả miếng thì trước Thái Lan họ cứ như “kẻ bị hành” trong trò chơi “banh ma” vậy. Bao nhuệ khí và tinh thần chiến đấu của chủ nhà Myanmar cứ như bị “đóng băng” hết.
Thái Lan rất biết tạo khác biệt bởi những cầu thủ đẳng cấp có khả năng cầm bóng và xử lý tình huống cực giỏi.
Nhìn Thái Lan đá với Myanmar cứ như chiếc xe có khối động cơ 500 cc so tài với chiếc xe có dung tích động cơ 150 cc.
Họ, Thái Lan chỉ chạy “Gear” trung bình, trong khi Myanmar xả hết tốc lực, đến… cháy máy vẫn không thể vượt lên nổi và… cuối cùng họ đành chấp nhận buông xuôi.
Nói vậy nhưng Myanmar cũng có tiếp cận vài cơ hội ngon ăn lúc Thái Lan lơi chân và thậm chí như có ý “nhường” cho chủ nhà một bàn thắng nhưng các chân sút của chủ nhà vẫn không thể tận dụng được cơ hội.
Dangda đã có năm bàn thắng tại AFF Cup.
Dangda có cú đúp vào lưới Myanmar ở hai đầu hiệp đấu đều là những pha xử lý kỹ thuật rất gọn gàng, ung dung như chẳng có ai gây áp lực. Thật vậy tuyển Thái Lan như những chiến binh vừa tham dự vòng loại World Cup với các đội hàng đầu châu lục như Úc, Nhật, UAE, Iraq, Saudi Arabia khiến đẳng cấp của họ tăng lên rất nhiều.
Myanmar thua 0-2 ngay trên sân nhà và hầu như chẳng còn cơ hội lật ngược tình thế vào tối 8-12 trên sân Rajamangala tại Bangkok trong trận lượt về.
Riêng bản thân Dangda sau cú hat trick vào lưới Indonesia ở trận mở màn bảng A tại Philippines thì nay lại có cú đúp, nâng tổng số bàn thắng của anh lên năm bàn, dẫn đầu danh sách vua phá lưới. Và với đà này thì khó có cầu thủ nào tranh ngôi vua phá lưới cùng Dangda.
Trước đây Dangda đã từng hai lần đoạt danh hiệu vua phá lưới AFF Cup vào các năm 2008 và 2012.