Bà Poly Choy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Tinh Anh, công ty mẹ sở hữu chuỗi cửa hàng Mykingdom cho biết, đơn vị này vừa chính thức khai trương hai cửa hàng Hobiverse tại các trung tâm thương mại ở TP.HCM gồm Crescent Mall (quận 7) và Vạn Hạnh Mall (quận 10).
Chủ thương hiệu Mykingdom mở thêm thương hiệu bán đồ chơi dành cho người lớn. Ảnh: T.H |
Đây là mô hình cửa hàng đồ chơi nghệ thuật - art toy hướng đến độ tuổi thanh thiếu niên và người đi làm có sở thích sưu tập các nhân vật truyện tranh, phim ảnh hoặc đời thực hay là các sản phẩm có câu chuyện riêng được phác họa bởi các họa sĩ.
Hiện chuỗi này phân phối độc quyền các sản phẩm của thương hiệu Pop Mart tại Việt Nam, đồng thời bày bán nhiều sản phẩm khác của Banpresto, Bandai Candy, League of Legends (Liên minh Huyền Thoại), Lego Adult…
Đồ chơi nghệ thuật dành cho người đi làm và thanh thiếu niên. Ảnh: T.H |
Theo đó, phân khúc giá của các sản phẩm từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Cá biệt một số thương hiệu cao cấp có những sản phẩm được bán với giá lên đến 100 triệu đồng. Tính độc bản và quý hiếm của sản phẩm cũng có thể đẩy giá sang nhượng lên cao hơn.
Tại Việt Nam, Hobiverse không phải cửa hàng đầu tiên kinh doanh các sản phẩm đồ chơi nghệ thuật này. Trước đó, những cái tên đình đám như Toysphere và Momotarou đã xuất hiện và mở được nhiều chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Tại trung tâm thương mại Thiso Mall (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng có một khu trưng bày các sản phẩm của thương hiệu đồ chơi nghệ thuật cao cấp Bearbrick do Mrdicom Toy (Nhật Bản) sản xuất.
Trong nước, những cái tên thương hiệu và nghệ sĩ như Daos501, Allinone, Oleander Workshop, Nấm Claywork, The O room, Toy Gem, Iku.Studio... cũng đã thân thuộc trong giới đồ chơi nghệ thuật.
Tuy vậy, chia sẻ với PLO, bà Poly Choy vẫn nhìn nhận thị trường đồ chơi nghệ thuật ở Việt Nam còn khá mới, người tiêu dùng vẫn chủ yếu quen mua hàng xách tay. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp và hiện tại là thời điểm thích hợp để gia nhập phân khúc này.
“Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến mở thêm nhiều cửa hàng mới nữa, tập trung chủ yếu ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng" - bà Poly chia sẻ.
Theo báo cáo của thị trường bất động sản năm 2022 của Savills, các khách thuê trong lĩnh vực giải trí và giáo dục đang chiếm đến 20% mặt bằng của các trung tâm thương mại ở TP.HCM, chỉ xếp sau thời trang (24%) và ăn uống (22%).
Theo đó, giá thuê mặt bằng của gần 40% dự án trung tâm thương mại đã tăng giá trong năm qua. Riêng giá thuê tầng trệt đã tăng 10% so với 2021, lên 1,25 triệu đồng/m2/tháng.