Giá USD bớt nóng, nhà kinh doanh 'dễ thở' hơn

(PLO)- Áp lực tỉ giá trong năm 2023 sẽ giảm đi rất nhiều so với năm vừa qua; nhiều khả năng tiền đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 1% so với USD trong năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cho đến thời điểm hiện tại, giá USD trên thị trường chính thức vẫn ổn định, còn giá USD trên thị trường tự do vẫn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại. Ví dụ, ngày 1-2 vừa qua, trên thị trường tự do, giá USD mua vào ở mức 23.470 VND/USD và bán ra ở mức 23.520 VND/USD.

Như vậy, so với đầu tháng 11 năm ngoái - thời điểm giá đồng USD tự do đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại là 25.450 VND/USD thì đến nay đã bốc hơi gần 2.000 đồng. Còn giá USD tại các ngân hàng cũng mất gần 1.300 đồng/USD.

Lý do khiến tỉ giá bớt nóng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây tiếp tục tăng nhẹ lãi suất thêm 0,25 điểm %, đưa mặt bằng lãi suất lên mức 4,5%-4,75%. Tuy nhiên, thị trường ngoại tệ trong nước không có nhiều biến động.

Ví dụ giá mua - bán USD của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 2-2 giữ nguyên ở mức 23.450 - 24.780 VND/USD. Các ngân hàng thương mại mua vào phổ biến ở mức 23.310 VND/USD, bán ra 23.585 VND/USD.

Sự suy yếu của đồng bạc xanh đang góp phần hạ nhiệt tỉ giá và giúp VND lên giá. Mặt khác, sau tết Nguyên đán, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa không nhiều nên nguồn cung ngoại tệ bớt căng thẳng.

Trước đó, chỉ tính riêng trong tháng cuối cùng năm ngoái, NHNN đã có 18 lần điều chỉnh giảm tỉ giá trung tâm từ mức 23.662 VND/USD vào đầu tháng 12 về mức 23.612 VND/USD vào ngày 30-12-2022. Đáng chú ý, so với mọi năm, càng về cuối năm giá USD càng tăng thì năm ngoái càng về cuối năm tỉ giá lại càng giảm. Tính chung cả năm 2022, VND chỉ mất giá khoảng 3,5% so với USD. Mức mất giá này thấp hơn nhiều nước trên thế giới.

Lý giải thêm về tình trạng tỉ giá USD/VND không còn “sốt” nóng trong thời gian gần đây, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam phân tích: Mặc dù năm 2022 tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn song xuất siêu vẫn đạt 11,2 tỉ USD, nhờ vậy nguồn thu ngoại tệ tương đối dồi dào. Cùng với đó, việc điều hành chính sách tỉ giá của NHNN kịp thời dẫn đến dòng vốn tháo chạy ra khỏi Việt Nam không nhiều.

Tỉ giá VND/USD biến động không nhiều dù Mỹ vừa tăng thêm lãi suất. Ảnh: TL
Tỉ giá VND/USD biến động không nhiều dù Mỹ vừa tăng thêm lãi suất. Ảnh: TL

Một nguyên nhân khác cũng góp phần khiến tỉ giá hạ nhiệt là hiện tượng “chảy máu ngoại tệ” do nhập lậu vàng qua biên giới có dấu hiệu suy giảm sau hàng loạt vụ buôn vàng nguyên liệu trái phép với số lượng lớn bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Điều này khiến nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến vào dịp tết không còn, qua đó làm nhu cầu gom USD trên thị trường chợ đen giảm mạnh. Đây cũng là lý do khiến tỉ giá chợ đen lao dốc từ vùng gần 25.500 VND/USD xuống chỉ còn khoảng 23.500 VND/USD.

Đặc biệt, tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm ngoái đạt gần 19 tỉ USD, tăng khoảng 1 tỉ USD so với năm trước đó và nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Như vậy bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng, lượng kiều hối về nhiều là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hỗ trợ hiệu quả chính sách tiền tệ.

Áp lực tỉ giá, lãi suất sẽ bớt căng thẳng

Tuy tình hình tỉ giá đã dịu bớt nhưng thách thức năm 2023 vẫn còn, bởi Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất dù ở mức thấp. Ông Trương Hiền Phương dự báo tỉ giá USD/VND trong năm nay chỉ tăng 1%-2%, tương đương tỉ giá của cặp tiền này tăng lên mức khoảng 24.100 VND/USD. Việc điều hành tỉ giá của NHNN trong năm nay cũng được dự báo là sẽ dễ thở hơn.

Bởi lẽ lạm phát của Mỹ và nhiều nước khác có thể đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm dần. Gần đây, Fed bày tỏ quan điểm sẽ giảm cả về tốc độ lẫn tần suất tăng lãi suất cơ sở trong năm 2023.

“Với một năm đầy rẫy khó khăn như 2022 mà tỉ giá chỉ biến động chưa tới 3,5% thì với những chính sách điều hành tiền tệ của Mỹ năm nay mềm dẻo hơn, áp lực về lãi suất, tỉ giá được kỳ vọng hạ nhiệt” - ông Phương nhận định.

Về lãi suất, từ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm 0,1%-1%/năm ở các kỳ hạn. Hiện nay lãi suất tiền gửi dao động 8,5%-9,5%/năm. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình tín dụng, thanh khoản của các ngân hàng đầu năm tốt hơn so với cuối năm ngoái.

Không chỉ vậy, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: Tính tới hết tháng 1-2023, VND đã tăng trở lại 0,75% so với đồng USD. Đặc biệt việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, với kế hoạch dừng tăng lãi suất trong năm 2023 cũng sẽ giúp giảm áp lực mất giá đối với đồng VND trong năm nay, giúp cho đồng VND sẽ có diễn biến ổn định hơn. Thêm vào đó, việc kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng tới về dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% sẽ là cơ sở để hạ tiếp mặt bằng lãi suất, cũng như nới lỏng hơn chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, với áp lực hỗ trợ tỉ giá giảm bớt, áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. “Kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt” - các chuyên gia của Bảo Việt nhận định.

Một số chuyên gia cho rằng hiện nay các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm dần tốc độ tăng lãi suất cũng góp phần làm dịu áp lực lãi suất ở trong nước. Mặt bằng lãi suất cần hạ nhiệt sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời tỉ giá ổn định cũng giúp giá vàng “lặng sóng”, qua đó làm giảm tâm lý lo ngại lạm phát bởi vàng và USD thường được chọn là nơi trú ẩn mỗi khi lạm phát cao.

Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin: Năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, NHNN sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng.

Cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm