Đây là năm đầu tiên trong vòng bảy năm kể từ năm 2008 Việt Nam thu hút được lượng vốn FDI lớn như vậy. Vào năm 2008, vốn FDI thu hút được đạt con số kỷ lục là hơn 64 tỉ USD. Từ đó cho đến năm 2015, vốn FDI vào Việt Nam chững lại với trung bình khoảng 15-17 tỉ USD/năm.
Năm 2015 có bốn dự án tỉ đô được cấp phép. Một là dự án Công ty Samsung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỉ USD ở Bắc Ninh. Hai là dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỉ USD do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd - Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh. Ba là dự án Công ty TNHH Liên doanh TP Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỉ USD do Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd - Vương quốc Anh dự án đầu tư tại TP.HCM vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. Bốn là dự án nhà máy sản xuất giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD do nhà đầu tư Samoa đầu tư tại Khu công nghiệp Bình Dương với mục tiêu sản xuất giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng.
Trong năm 2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,5 tỉ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,3 tỉ USD, chiếm 14,6%. Bình Dương đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,9 tỉ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trà Vinh và Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lần lượt là 2,5 tỉ USD và 1,9 tỉ USD.