Sau ba phiên họp, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã "chốt" mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Tuy nhiên, đại diện của NLĐ và người sử dụng lao động khẳng định chưa hài lòng với các phương án trên.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết sau ba phiên thảo luận, khoảng cách đề xuất tăng lương tối thiểu vùng giữa đại diện NLĐ và người sử dụng lao động đã thu hẹp dần. Trong đó, đại diện NLĐ đề xuất từ 13% xuống 7%; chủ doanh nghiệp từ chỗ không tăng, rút xuống hai phương án là 6,5% và 7%. Cuối cùng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức bỏ phiếu với mức tăng là 6,5%.
Phương án tăng lương được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Cụ thể, mức tăng 180.000-230.000 đồng tùy theo từng vùng. Như vậy, từ vùng I đến vùng IV lần lượt là 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia trả lời các câu hỏi của báo chí sau phiên họp. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Doãn Mậu Diệp khẳng định: "Các cuộc đối thoại đều thiện chí giữa các bên nhằm chia sẻ thành quả phát triển kinh tế-xã hội, mang lại lợi ích cho NLĐ cũng như đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp".
Bàn về các phương án đã được chốt, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết chưa hài lòng với mức tăng trên. "Theo tính toán của Tổng Liên đoàn, nếu mức tăng thấp như trên thì lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu theo Điều 91 Bộ luật Lao động phải lùi lại sau năm 2018" - ông Chính nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), cho biết mức tăng trên vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Trước kỳ họp, doanh nghiệp đều khuyến nghị không tăng lương tối thiểu năm nay để họ có cơ hội phát triển. Suốt 10 năm, lương tối thiểu đã liên tục tăng, nếu cứ tiếp tục tăng thì doanh nghiệp khó xoay xở.
Theo ông Phòng, doanh nghiệp mong muốn NLĐ cải thiện thu nhập thì phải dựa vào năng suất lao động và khả năng cống hiến, chứ không thể cứ trông chờ vào việc tăng lương tối thiểu.