Chiều tối 24-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bộ trưởng NN&PTNT, TN&MT, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh ĐBSCL, năm tỉnh Đông Nam bộ và TP.HCM họp khẩn triển khai các phương án đối phó với bão số 16.
Cường độ bão vượt thiết kế của đê điều
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác phòng chống bão, đồng thời nhấn mạnh đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, kèm theo triều cường. Thủ tướng yêu cầu các địa phương và người dân phải thường xuyên theo dõi thông tin cơn bão, không được chủ quan. Các địa phương huy động lực lượng công an, quân đội, thanh niên giúp dân gia cố nhà cửa đảm bảo an toàn; các giàn khoan trên biển cần có kế hoạch phòng chống cụ thể, nếu cần thiết có thể tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn, dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để triển khai các hoạt động ứng phó.
Thủ tướng nhấn mạnh công tác sẵn sàng ứng cứu phải được coi là nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng; khi cần thiết, triển khai biện pháp mạnh đối với những tàu thuyền, cá nhân không chấp hành thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cả hệ thống chính trị các địa phương phải vào cuộc cùng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cũng như các địa phương khác.
Hiện có hơn 13.000 hộ dân thuộc chín tỉnh đã được sơ tán; máy bay trực thăng được huy động để kêu gọi tàu thuyền và người dân ở các khu vực xa bờ.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương Phòng, chống thiên tai, bão số 16 vào Nam bộ với hình thái và điều kiện rất nguy hiểm. Trên biển, bão đi qua khu vực ngư trường truyền thống, đang chính mùa khai thác, tàu thuyền đánh bắt hải sản rất đông và cũng là vùng biển có nhiều giàn khoan, nhà giàn.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre và lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng, chống bão tại huyện Bình Đại vào sáng 24-12. Ảnh: Đ.Hà
Trên đất liền, nơi bão đổ bộ có địa hình bằng phẳng, thiếu nơi khu trú. Vùng bờ biển, cửa sông nhiều điểm bị sạt lở, có nhiều công trình đang thi công. Khu vực ít khi bão đổ bộ, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó của người dân còn hạn chế, chủ quan; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông, vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản.
Các tuyến đê biển mới chỉ được thiết kế chỉ chịu đến bão cấp 9, thấp hơn cường độ bão dự báo nên nguy cơ mất an toàn rất cao (có 23 vị trí xung yếu từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau). Hiện còn 64.000 ha lúa chín chưa thu hoạch, có thể bị thiệt hại khi bão đổ bộ.
Từ chiều 23-12, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức cấm biển. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn gần 70.000 tàu thuyền, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Cấm biển, sẵn sàng cho mọi tình huống xấu
Bộ Công an, Bộ Y tế cũng đã có công điện đến một số đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện nghiêm túc công điện của Ban chỉ đạo Trung ương; phối hợp bảo đảm an toàn cho người dân; phối hợp triển khai phương án sơ tán dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả; triển khai các giải pháp bảo đảm công tác y tế trong mưa lũ, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Các địa phương nằm trong đường đi của cơn bão số 16 đã cho học sinh nghỉ học, triển khai phương án phòng, chống đến từng địa bàn, đơn vị; cơ bản đã gia cố, chằng chống nhà cửa. Các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang tiếp tục rà soát di dời dân.
Tại Trà Vinh, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 do Thiếu tướng Nguyễn Xuân Dắt, Phó Tư lệnh Quân khu 9, đã kiểm tra, khảo sát công tác chuẩn bị ứng phó bão tại tỉnh Trà Vinh. Hơn 1.200 tàu thuyền đánh cá ở địa phương đã vào bờ an toàn, lên sẵn phương án di dời dân khi cần thiết.
Lãnh đạo các địa phương yêu cầu các lực lượng phải bảo đảm chỉ huy, phương tiện, lực lượng, thông tin liên lạc thông suốt, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; các phương tiện thông tin đại chúng thông báo thường xuyên về diễn biến của bão để người dân biết. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lưu ý bố trí lãnh đạo trong các ca trực để kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác phòng tránh, ứng phó bão.
Huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải cũng đã khẩn trương ứng phó bão, TP Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và các khu vực An Biên, An Minh, U Minh Thượng tổ chức phân công trực 24/24 giờ và báo cáo nhanh tình hình về ban chỉ huy cấp tỉnh.
Nằm sâu trong đất liền nhưng lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp đã tổ chức họp khẩn cấp, lên phương án phòng, chống bão. Còn ở Sóc Trăng, các lực lượng chức năng gia cố một số tuyến đê biển xung yếu tại địa phương, lên sẵn phương án di dời người dân đến các điểm trường học, chùa, nhà thờ để làm nơi trú bão cho người dân.
TP.HCM cho học sinh nghỉ học Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp khẩn chiều tối 24-12, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các đơn vị chức năng trực chiến 24/24 giờ. Sở Y tế phối hợp với sở điện lực đảm bảo nguồn điện liên tục tại bệnh viện đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ, có phương án dự phòng. Ban chế xuất, ban quản lý khu công nghệ cao… đảm bảo an toàn nhà xưởng. Những khu vực có nguy cơ sạt lở cao như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức phải chủ động phương án di dời đến địa điểm an toàn. Công ty cây xanh khẩn trương có phương án xử lý cây gãy đổ đảm bảo an toàn, lưu thông thông suốt. TP.HCM có nhiều công trình đang thi công: Yêu cầu phải ngưng hoạt động, phải có biện pháp xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố. • Trong công điện hỏa tốc cùng ngày gửi các đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Thanh Liêm chỉ đạo Sở GD&ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường ĐH, CĐ, trung học, tiểu học và mầm non, UBND các quận, huyện thông báo ngay cho giáo viên, học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 12 giờ trưa nay (25-12) cho đến hết 26-12. Riêng học sinh Cần Giờ nghỉ học từ sáng 25 đến hết 26-12. |