Năm đề xuất để TP.HCM sạch hơn

Sở TN&MT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP các giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn TP. Trong đó năm sáng kiến Sở đưa ra để thực hiện nhiệm vụ giúp TP ngày càng sạch đẹp hơn gồm có:

1. Giao cho hai đơn vị được kiểm tra lập biên bản

Với nhu cầu thực tiễn hiện nay, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được kịp thời, Sở kiến nghị UBND TP giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính bảo vệ vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Hai đơn vị này sẽ được sử dụng nguồn tiền xử phạt vi phạm vào mục đích duy trì hoạt động của lực lượng này.

2. Sử dụng camera để phạt nguội

Do tính chất vi phạm trong lĩnh vực môi trường diễn ra rất nhanh, Sở TN&MT đề xuất cho phép các địa phương tận dụng mạng lưới công nghệ thông tin sẵn có và được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để làm chứng cứ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Quyền hạn này trước đây chỉ thuộc về lực lượng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.

Một người dân xả rác ngay trên đường Hùng Vương, quận 10. Ảnh: ĐÀO TRANG

3. Xây dựng quy định xử phạt đổ bỏ chất thải rắn

Việc quản lý chất thải rắn xây dựng đã được quy định tại Nghị định (NĐ) 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu và Thông tư 08/2017/TT-BXD về quản lý chất thải rắn xây dựng. Tuy nhiên, hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn xây dựng như xử lý, đổ, bỏ không đúng nơi quy định hiện nay chưa được NĐ 139/2017 quy định.

Cạnh đó, Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, việc TP xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực này là cần thiết và phù hợp với sự phát triển của TP hiện nay.

4. Công khai thông tin vi phạm

Sở TN&MT đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân, công khai thông tin đối tượng vi phạm.

Theo các quy định hiện hành thì hành vi vi phạm vệ sinh công cộng chưa được phép công khai thông tin. Tuy nhiên, để có sức mạnh răn đe hơn cần có sự quyết liệt của cả cơ quan quản lý nhà nước và sự góp sức của cộng đồng, triệt để phê phán hành vi xấu. Do đó, việc công khai thông tin người vi phạm là một giải pháp có thể tính tới.

5.  Xây dựng hương ước bảo vệ môi trường

Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một số quy ước trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định.

Thực tế, đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân, hộ gia đình, nguyên nhân chính là do ý thức, nhận thức còn hạn chế. Do đó, bên cạnh việc xử phạt chế tài thì việc tuyên truyền, nhắc nhở, kêu gọi ý thức trong cộng đồng qua hương ước, quy ước của từng nơi cũng rất hiệu quả cần thiết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Tuấn Khoa, Chánh Thanh tra Sở TN&MT, cho biết hiện nay NĐ 155/2016 đã quy định đầy đủ các mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, việc xử phạt trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, tình hình vi phạm vệ sinh nơi công cộng chưa được cải thiện. Vì thế, Sở TN&MT đề xuất các giải pháp trên với mong muốn nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ vệ sinh nơi công cộng.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm