Năm mối đe dọa thị trường chứng khoán tháng 9

Các hiểm họa trên có tên gọi kinh tế, lợi nhuận, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), châu Âu và chính trị.

Trong báo cáo công bố ngày 2/9, Chính phủ Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã không tạo thêm được việc làm nào trong tháng Tám vừa qua, báo hiệu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất đáng ngại.

Một trong những thông tin đặc biệt đáng ngại là mức lương trung bình giảm 0,1%. Tốc độ tăng lương là yếu tố quan trọng kích thích tiêu dùng Mỹ, vốn chiếm khoảng 70% hoạt động của nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù đến nay hoạt động tiêu dùng vẫn giữ ở mức tốt một cách đáng ngạc nhiên, nhưng một số ý kiến cho rằng số liệu trong tháng Chín sẽ khác do tác động của cuộc tranh cãi nâng trần nợ công và việc Standard & Poor's hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Lợi nhuận của các công ty đã giúp thị trường chứng khoán tăng 70% so với mức đáy tháng 3/2009. Tuy nhiên, các nhà phân tích bắt đầu giảm mức dự báo lợi nhuận của các công ty trong nhóm S&P 500. Cụ thể, lợi nhuận trung bình của các công ty này là 24,94 USD/1 cổ phiếu trong quý 3/2011, thấp hơn mức 25,31 USD đưa ra hồi giữa tháng Bảy. Từ nay đến cuối tháng, các công ty sẽ đưa ra các dự báo về kết quả của quý và đây có thể là một đòn giáng đối với giới đầu tư.

Nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu cho thấy có thể rơi vào một cuộc suy thoái mới, nhiều nhà đầu tư hy vọng FED sẽ có một đợt giải cứu nữa. Tuy nhiên, có rất nhiều rào cản đối với việc lặp lại hành động này.

Tháng Chín, các nhà hoạch định chính sách châu Âu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ và sự chú ý sẽ tập trung vào Hy Lạp. Ngày 7/9, Tòa án của Đức sẽ đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của gói cứu trợ thứ nhất dành cho Athens và một ngày sau đó sẽ diễn ra cuộc họp định kỳ của Ngân hàng trung ương châu Âu. Quốc hội nhiều nước châu Âu cũng sẽ tổ chức bỏ phiếu gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp trong tháng này.

Bên cạnh đó, J.P. Morgan Chase dự báo từ nay đến giữa tháng, xếp hạng của trái phiếu chính phủ Italy có thể sẽ bị hạ nhiều bậc, một động thái có thể làm chao đảo thêm các thị trường.

Những bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ có thể trở thành yếu tố tác động mạnh trong tháng Chín. Tại châu Âu, những tranh cãi giữa Đức và Pháp với các nước còn lại trong Khu vực đồng tiền chung euro cũng có thể tạo ra những lo ngại rằng châu Âu khó có thể đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

(TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm