Trên cương vị chủ tịch Cộng đồng phát triển nam châu Phi (SADC), Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tuần trước đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Nosiviwe Mapisa-Nqakula cùng Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Bongani Bongo của nước này tới Zimbabwe để xoa dịu căng thẳng sau binh biến ở thủ đô Harare.
Trở lại sau chuyến đi này, ngày 21-11, phát biểu trên đài Radio 702, bà Mapisa-Nqakula cho biết tình hình tại Zimbabwe hiện đang phức tạp, theo tờ Times Live (Nam Phi). “Tình hình tại Zimbabwe hiện hết sức phức tạp. Nếu bạn nói rằng đây không phải là một cuộc đảo chính quân sự thì đây là gì?” - vị quan chức nói.
Bà Mapisa-Nqakula nói rằng bà đến Zimbabwe để can thiệp chuyện tổng thống Mugabe là vì Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hiện là chủ tịch của SADC. “Chúng tôi thay mặt SADC đến đó với mục đích xem xét tình hình vì thời điểm đó xuất hiện các báo cáo cho biết đây là một cuộc đảo chính của quân đội”.
Các sinh viên tại ĐH Zimbabwe tham gia biểu tình ở thủ đô Harare ngày 20-11. Ảnh: CNN
Vị quan chức cho biết Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã thừa nhận với phái đoàn Nam Phi rằng hiện Zimbabwe đang gặp vấn đề nhưng ông tin không có thách thức nào mà người dân Zimbabwe không thể giải quyết được.
“Tôi đã làm mọi thứ cho quân đội. Tôi cấp cho họ đất và vì thế tôi không mong muốn khi có vấn đề họ sẽ triển khai chiếm đóng đường phố. Thay vào đó họ phải đến và giải quyết với tôi” - quan chức Nam Phi dẫn lại lời ông Mugabe.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe Constantino Chiwenga đã đảm bảo với phái đoàn Nam Phi rằng họ không có ý định lật đổ chính phủ, mà thay vào đó đang quan ngại về cách thức điều hành đất nước của chính quyền ông Mugabe.
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula (trái). Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NAM PHI
Đêm 14-11, rạng sáng 15-11, quân đội Zimbabwe đã triển khai binh sĩ, xe tăng cùng các xe quân sự khác giành quyền kiểm soát thủ đô Harare và đài truyền hình nhà nước ZBC của Zimbabwe. Tuy nhiên, quân đội Zimbabwe phủ nhận các đồn đoán về một cuộc đảo chính và cho biết quân đội chỉ nhắm vào “những thành phần tội phạm” quanh Tổng thống Mugabe.
Theo AFP, Liên minh châu Phi (AU) và SADC đều đã cảnh báo quân đội Zimbabwe không được nỗ lực hạ bệ ông Mugabe bằng các con đường phi pháp sau sự kiện này. Được biết SADC hiện có 16 nước thành viên, bao gồm Zimbabwe.
Hiện Đảng cầm quyền ZANU-PF đã lên kế hoạch bắt đầu quá trình luận tội ông Mugabe tại quốc hội Zimbabwe sau khi “tối hậu thư” để ông tự nguyện từ chức đã qua hạn chót.
Cựu Phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa sáng 21-11 cũng đã kêu gọi ông Mugabe từ chức. Trước đó một ngày, hãng tin CNN dẫn một nguồn tin thông thạo vấn đề cho biết ông Mugabe đã đồng ý các điều kiện để từ chức và cũng đã soạn thảo sơ bộ đơn xin từ chức để gửi lên chủ tịch quốc hội Zimbabwe. Tuy nhiên, hiện chưa có phát ngôn chính thức của ông Mugabe về vấn đề này.