Tối 19-11 (giờ địa phương), trong bài phát biểu kéo dài 20 phút trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe khẳng định vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền, bất chấp các áp lực đòi ông phải từ chức.
Điều này trái lại những kỳ vọng trước đó về việc vị tổng thống 93 tuổi sẽ đồng ý tuyên bố từ chức. Sau khi quân đội Zimbabwe nắm giữ quyền lực hồi đầu tuần này, đảng cầm quyền ZANU-PF đã khai trừ ông Mugabe khỏi cương vị chủ tịch đảng và hàng ngàn người biểu tình đã đổ ra đường phố thủ đô Harare đòi hạ bệ ông.
Đảng ZANU-PF đã ra “tối hậu thư” buộc ông Mugabe phải từ chức trước 12 giờ trưa ngày 20-11 (giờ địa phương). Các quan chức đảng này cho biết nếu hạn chót qua đi mà nhà lãnh đạo cai trị Zimbabwe trong 37 năm qua không chịu từ chức thì ông sẽ bắt đầu trải qua quá trình luận tội ở quốc hội vào ngày 21-11.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe gặp mặt các tướng quân đội hôm 19-11. Ảnh: AP
Có một số con đường để Tổng thống Mugabe, người đã lãnh đạo Zimbabwe kể từ năm 1980, từ bỏ “ngai vàng” của ông:
Từ chức
Điều 96 trong hiến pháp của Zimbabwe nêu rõ: Tổng thống có thể từ chức bằng cách đệ trình đơn xin từ chức lên chủ tịch quốc hội. Sau đó, chủ tịch quốc hội Zimbabwe phải công khai đơn xin từ chức trong vòng 24 giờ.
Theo AFP, đây là cách nhanh nhất, đơn giản nhất và ít rủi ro nhất để ông Mugabe từ bỏ quyền lực của mình. Tuy nhiên, cho đến nay vị tổng thống 93 tuổi vẫn quyết tâm không chịu từ bỏ theo phát ngôn chính thức của ông.
Có một điểm đáng chú ý khác được nêu trong hiến pháp của Zimbabwe, đó là: Trong trường hợp tổng thống từ chức, phó tổng thống sẽ lên thay.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa - ứng viên sáng giá cho vị trí trên - đã bị tước chức vào tuần trước. Hiện còn một phó tổng thống thứ hai là Phelekeza Mphoko.
Tuy nhiên, vị này lại trung thành với Đệ nhất phu nhất Grace Mugabe. Việc ông Mugabe sa thải Phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa được cho để dọn đường cho vợ ông, phu nhân Grace Mugabe, kế nhiệm.
Do đó, quân đội Zimbabwe sẽ không dám tin tưởng giao cho ông Mphoko cương vị tổng thống mới của nước Cộng hòa Zimbabwe.
Như vậy, quân đội Zimbabwe trước hết phải thuyết phục ông Mugabe tái bổ nhiệm ông Mnangagwa trở lại vị trí phó tổng thống.
Ông Mugabe phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia tối 19-11. Ảnh: AP
Luận tội
Quốc hội Zimbabwe và thượng viện nước này có thể bắt đầu quá trình tước chức tổng thống nếu cả hai cơ quan thu được phần đông số phiếu ủng hộ. Một khi cả hai bên nhất trí hạ bệ tổng thống, họ sẽ cùng lập ra một ủy ban chung để điều tra.
Cũng theo điều 97 của hiến pháp Zimbabwe, sau quá trình điều tra các sai phạm của tổng thống, nếu ủy ban này đề xuất luận tội thì tổng thống có thể sẽ bị tước chức. Và khi cả hạ viện và thượng viện ưng thuận với trên 2/3 số phiếu ủng hộ thì tổng thống buộc phải từ bỏ quyền lực của mình.
Phần lớn các thành viên trong đảng ZANU-PF và phe đối lập hiện đều mong muốn hạ bệ ông Mugabe. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ chậm.
Và tương tự con đường tự tuyên bố từ chức, việc luận tội trong trường hợp này sẽ dẫn tới ông Mphoko trở thành nguyên thủ quốc gia mới của Zimbabwe.
Đảo chính giành quyền lực
Đêm 14-11, rạng sáng 15-11, quân đội Zimbabwe đã triển khai binh sĩ, xe tăng cùng các xe quân sự khác giành quyền kiểm soát thủ đô Harare và đài truyền hình nhà nước ZBC của Zimbabwe. Tuy nhiên, quân đội Zimbabwe phủ nhận các đồn đoán về một cuộc đảo chính và cho biết quân đội chỉ nhắm vào “những thành phần tội phạm” quanh Tổng thống Mugabe.
Những người biểu tình đổ ra đường phố thủ đô Harare hôm 18-11 đòi ông Mugabe từ chức. Ảnh: EPA
Liên minh châu Phi (AU) và Cộng động phát triển nam châu Phi (SADC) đã cảnh báo quân đội Zimbabwe không được nỗ lực hạ bệ ông Mugabe bằng các con đường phi pháp.
Hiện tại quân đội Zimbabwe dường như chú ý các cảnh báo này và thay vào đó đang thúc đẩy đối thoại với ông Mugabe. Tổng thống Robert Mugabe đã bị quân đội Zimbabwe quản thúc tại gia kể từ hôm 15-11. Các tướng cũng xuất hiện trong video phát biểu trên truyền hình của ông Mugabe.
Nhận định về khả năng ông Mugabe chấm dứt quyền lực, giáo sư Stephen Chan tại Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Viện ĐH London nói rằng mặc dù lập trường cứng rắn của mình, sự cai trị kéo dài hàng thập niên qua của ông Mugabe cuối cùng cũng kết thúc.
“Tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu ông ấy trụ nổi trong tuần này. Ông ấy không thể nào chủ trì hội nghị của đảng ZANU-PF vào tháng 12 tới. Ông ấy không còn là chủ tịch đảng. Đây chỉ là sự cố chấp” – giáo sư Chan nói.