Binh biến thần tốc ở Zimbabwe

Chiều 15-11, đại diện quân đội Zimbabwe cho biết Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, cùng phu nhân Grace Mugabe, 53 tuổi, hiện vẫn an toàn tại nhà riêng. Các cơ quan chính phủ, Quốc hội, tòa án và đường phố hiện được quân đội tuần tra và canh giữ đảm bảo an ninh sau một đêm binh biến đầy bất ngờ.

Binh biến thần tốc

Nhiều tiếng nổ lớn đã được ghi nhận tại thủ đô Harare của Zimbabwe rạng sáng 15-11. Xe tăng và xe quân sự được triển khai khắp các tuyến đường. Quân đội đã chiếm được trụ sở của ZBC - đài truyền hình nhà nước của Zimbabwe, hãng tin Reuters cho biết. Người phát ngôn của quân đội Zimbabwe, Thiếu tướng Sibusiso Moyo, phủ nhận các đồn đoán về một vụ đảo chính, cho biết quân đội chỉ nhắm vào “những thành phần tội phạm” quanh Tổng thống Mugabe và sẽ sớm tái lập trật tự cho đất nước.

“Chúng tôi muốn khẳng định rõ đây không phải là đảo chính quân sự. Chúng tôi chỉ nhắm đến những thành phần tội phạm hiện làm hại xã hội và nền kinh tế đất nước, đưa họ ra trước công lý” - ông Moyo cho biết. Ông hứa hẹn một khi sứ mệnh hoàn thành, cuộc sống tại Zimbabwe sẽ trở lại bình thường. Quân đội cũng kêu gọi tất cả lực lượng an ninh “hợp tác vì lợi ích của đất nước”, cảnh báo “mọi sự khiêu khích sẽ được đáp trả thích đáng” - hãng tin AP dẫn lời ông Moyo.

Mọi quân nhân Zimbabwe đều đã được lệnh quay trở về đơn vị. Hiện quyền kiểm soát thủ đô Harare đã nằm trong tay quân đội. Cuộc sống người dân vẫn diễn ra bình thường. Những người ủng hộ quân đội đã đánh giá cuộc binh biến là một hành động “sửa sai không đổ máu”.

Xe thiết giáp của quân đội Zimbabwe tuần tra trên đường phố thủ đô Harare ngày 15-11. Ảnh: REUTERS

Vấn đề người kế nhiệm

Cuộc binh biến tại thủ đô Harare đã đưa quân đội vào vị thế quyết định tương lai đất nước Zimbabwe. Đây là lần đầu tiên quân đội nước này công khai phản đối Tổng thống Mugabe, nguyên thủ quốc gia có tuổi đời cao nhất thế giới hiện nay. Ông Mugabe đã giữ vị trí lãnh đạo Zimbabwe từ khi nước này chấm dứt độc quyền lãnh đạo của thiểu số người da trắng vào năm 1980 đến nay.

Theo tờ The Guardian, cuộc binh biến có thể là hệ lụy từ những đấu đá chính trị xoay quanh vấn đề người kế nhiệm Tổng thống Mugabe. Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa nhận được sự ủng hộ của quân đội và cựu chiến binh. Còn phu nhân Grace Mugabe nhận được sự ủng hộ của đảng cầm quyền và một nhóm 40 quan chức cấp cao, theo The Guardian. Ông Mnangagwa đã bị Tổng thống Mugabe cách chức vào tuần trước và phải bỏ trốn sang Nam Phi.

Trước các diễn biến này, tư lệnh Constantino Chiwenga cùng nhiều tướng lĩnh cấp cao ngày 13-11 đã công khai cảnh báo quân đội sẵn sàng can thiệp để chấm dứt căng thẳng chính trị. Quân đội trước nay luôn là trụ cột quyền lực của ông Mugabe. Đảng cầm quyền ZANU-PF đã lập tức cáo buộc vị tư lệnh có hành động tạo phản. Đến ngày 15-11, ông Chiwenga quyết định hiện thực hóa lời hứa của mình. Cựu Phó Tổng thống Emmerson được cho là đã về nước cùng ngày.

Đại sứ quán Mỹ tại Zimbabwe đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động và cảnh báo công dân tìm nơi trú ẩn vì tình hình bất ổn chính trị, theo AP. Đại sứ quán Anh tại Harare cũng đưa ra một thông cáo tương tự, đồng thời cảnh báo công dân đừng bước ra đường phố vì “các thông tin về hoạt động quân sự bất thường”.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã có cuộc điện thoại với ông Mugabe và xác nhận ông cùng phu nhân hiện vẫn an toàn. Ông Zuma cũng thông báo sẽ gửi một phái đoàn đến Zimbabwe và Angola, bao gồm các lãnh đạo Bộ Quốc phòng và cựu chiến binh, Bộ An ninh quốc gia. Phái đoàn này sẽ gặp đại diện quân đội Zimbabwe và Tổng thống Mugabe.

_____________________

Các cựu chiến binh của Zimbabwe đánh giá cao quân đội đã “sửa sai không đổ máu” tình trạng lạm dụng quyền lực tại nước này. Trả lời hãng tin AP, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Zimbabwe Chris Mutsvangwa hy vọng quân đội sẽ đưa đất nước trở lại với “dân chủ đúng nghĩa” và xây dựng đất nước thành một “hình mẫu hiện đại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm