Suốt nhiều thập kỷ, ông Mnangagwa là trợ thủ đắc lực nhất của Tổng thống Robert Mugabe, một vai trò giúp ông tận dụng được sự trung thành của quân đội và lực lượng an ninh. Ông cũng nổi danh là một người cơ trí, tàn nhẫn và rất giỏi trong việc thao túng các đòn bẩy quyền lực.
Cộng sự đắc lực của tổng thống
Dù chỉ chính thức trở thành Phó tổng thống Zimbabwe từ năm 2014, nhưng ông Mnangagwa đã được biết đến là một nhân vật hàng đầu trong chính phủ Zimbabwe với biệt danh "Cá sấu", kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1980.
Từ khi còn là một thiếu niên vào những năm 1960, ông Mnangagwa bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống lại chế độ thiểu số da trắng cầm quyền Rhodesia. Năm 1963, ông được đào tạo về quân sự ở Ai Cập và Trung Quốc. Là một trong những chiến sĩ du kích sớm nhất chống lại chế độ Rhodesia, ông bị bắt giữ, bị tra tấn và bị kết án tử hình treo cổ vào năm 1965.
Cựu Phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa. Ảnh: GETTY IMAGES.
Tuy nhiên vì lúc bị kết án chỉ mới có 21 tuổi, ông Mnangagwa được giảm hình phạt trở thành 10 năm tù giam. Thời điểm đó, ông bị bắt giam cùng các nhà hoạt động dân tộc nổi bật khác như Tổng thống Robert Mugabe. Trong thời gian bị giam giữ, ông Mnangagwa đã tìm hiểu, học tập về luật và chính trị. Đến năm 1979, sau khi được thả ra 4 năm, ông cùng ông Mugabe tham gia các cuộc hội đàm ở London, dẫn tới sự kết thúc của chế độ Rhodesia và thành lập nhà nước Zimbabwe.
Sau khi Zimbabwe giành được độc lập vào năm 1980, ông Mnangagwa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh. Ông chỉ đạo việc sáp nhập quân đội Rhodesia với lực lượng du kích của chính quyền Tổng thống Mugabe, từ đó xây dựng nên mối quan hệ chặt chẽ với quân đội và lực lượng an ninh.
Năm 1983, Tổng thống Mugabe đã phát động chiến dịch chống lại những người ủng hộ lãnh tụ đối lập Joshua Nkomo. Chiến dịch này sau đó trở thành cuộc thảm sát Matabeleland với cái chết của khoảng 10.000 đến 20.000 người ở các tỉnh phía Tây Nam Zimbabwe. Ông Mnangagwa sau đó vấp phải hàng loạt chỉ trích là đã đứng sau chỉ đạo kế hoạch Matabeleland, tuy nhiên cựu phó tổng thống đã bác bỏ các cáo buộc này.
Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này, ông Mnangagwa khẳng định rằng mối quan hệ giữa ông với Tổng thống Mugabe “đã được phát triển qua nhiều năm tháng khó khăn, nó vượt xa ranh giới ông chủ và người hầu, mà như là giữa cha và con”.
Ông Mnangagwa bị chính quyền Tổng thống Mugabe sa thải vào ngày 6-11, một động thái được cho là mở đầu cho cuộc binh biến của quân đội thời gian sau đó. Cựu phó tổng thống sau đó đã chạy trốn khỏi Zimbabwe để tránh bị bắt giữ, đồng thời tuyên bố sẽ quay trở lại để lãnh đạo đất nước Nam Phi.
Ứng viên thay thế sáng giá
Từ sau khi bị sa thải, cựu phó tổng thống Zimbabwe chưa xuất hiện trước công chúng, nhưng ông được cho là đã quay trở lại nước này, trong lúc cuộc binh biến của quân đội và các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Mugabe từ chức của người dân vẫn đang diễn ra ở Zimbabwe.
“Chúng ta hãy chôn vùi những khác biệt để xây dựng lại một Zimbabwe mới mẻ và thịnh vượng, một quốc gia có kiên nhẫn với những quan điểm khác biệt, một quốc gia biết tôn trọng ý kiến của người khác, một quốc gia không thực hiện chính sách cô lập bản thân với phần còn lại của thế giới chỉ vì một cá nhân ngoan cố tin rằng ông ta có quyền cai trị đất nước này cho đến khi chết” - ông Mnangagwa nói trong tuyên bố ngày 8-11.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và phu nhân Grace Mugabe bị quản thúc tại gia sau khi cuộc binh biến của quân đội diễn ra. Ảnh: GETTY IMAGES.
Các đồng minh của ông trong đảng cầm quyền ZANU-PF cũng bắt đầu quá trình vận động hành lang để phế truất chức vị lãnh đạo đảng từ năm 1977 của Tổng thống Mugabe. Tại một cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng cầm quyền ZANU-PF ngày 19-11, ông Mnangagwa đã chính thức được bầu làm lãnh đạo mới thay thế ông Mugabe.
Nhận xét về ông Mnangagwa, chuyên gia về Nam Phi Piers Pigou của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cho rằng cựu phó tổng thống 75 tuổi là một người “thông minh và tài giỏi”, nhưng việc “liệu ông ấy có phải là thuốc chữa bách bệnh với Zimbabwe hay không, liệu ông ấy có lãnh đạo chính phủ và khôi phục nền kinh tế của Zimbabwe tốt hay không”, theo ông, “còn phải đợi thời gian trả lời”.
Trong suốt nhiều năm, ông Mnangagwa xuất hiện trước công chúng với tư cách là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm và có khả năng mang lại sự ổn định cho Zimbabwe. Tuy nhiên, cam kết trả lại cho Zimbabwe nền dân chủ và sự thịnh vượng của ông bị nhiều chuyên gia hoài nghi.
“Tôi không kỳ vọng nhiều về những gì ông ấy sẽ làm được nếu trở thành tổng thống. Tôi mong rằng mình sai” - Peter Godwin, nhà bình luận người Zimbabwe, nhận xét. Ông Godwin cho biết đã theo dõi ông Mnangagwa trong suốt nhiều năm dài và nhận thấy cựu phó tổng thống Zimbabwe không có được uy tín hay khả năng hùng biện trước công chúng như nhà lãnh đạo Robert Mugabe.
Ông Todd Moss, chuyên gia về châu Phi của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cũng bày tỏ sự dè dặt. “Mặc dù tuyên bố mình là một nhà cải cách thân thiện với nền kinh tế, người Zimbabwe biết đến Mnangagwa như là kẻ khởi nguồn vụ thảm sát Matabeland và là kẻ tiếp tay cho các chính sách của Tổng thống Mugabe. Ông ta là một phần của quá khứ buồn, chứ không phải là tương lai của Zimbabwe” – ông Moss nhận định.