Căng thẳng tăng tại bán đảo Balkan, Mỹ, NATO có động thái

(PLO)- Trước tình hình căng thẳng tăng tại bán đảo Balkan, NATO triển khai thêm quân tại khu vực, trong khi phía Mỹ nỗ lực xoa dịu tình hình.

Kosovo và Serbia cùng thuộc khu vực bán đảo Balkan. Kosovo trước đây là một tỉnh của Serbia và tuyên bố độc lập vào năm 2008. Serbia đến nay vẫn không công nhận nền độc lập của Kosovo và vẫn tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.

Ngày 24-9, nhóm bán quân sự gồm khoảng 30 người Serbia phục kích ở phía bắc Kosovo và giết chết một sĩ quan cảnh sát Kosovo. Sau đó, lực lượng đặc biệt của cảnh sát Kosovo đã đụng độ với nhóm bán quân sự này khiến nhiều người thương vong.

Cuối tháng 9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo đã ủy quyền cho một nước bổ sung lực lượng cho Kosovo “nhằm giải quyết tình hình hiện tại”.

230530130236-02-kosovo-unrest-052923.jpg
Đụng độ giữa người biểu tình ở phía bắc Kosovo với lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO vào tháng 5. Ảnh: REUTERS

Ngày 29-9, trả lời phỏng vấn hãng tin AP, ông Albin Kurti - người đứng đầu chính quyền Kosovo hoan nghênh quyết định của NATO về việc tăng quân tại khu vực Balkan. Ông Kurti cho rằng vụ bạo lực ở miền bắc Kosovo hôm 24-9 thể hiện Serbia muốn gây bất ổn cho Kosovo.

“Những người này muốn quay ngược thời gian. Họ đang tìm kiếm một cỗ máy thời gian. Họ muốn quay ngược đồng hồ về gần 30 năm trước (thời điểm chiến tranh Kosovo nổ ra). Nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Chúng tôi cần NATO vì khu vực tiếp giáp giữa Kosovo với Serbia rất dài và quân đội Serbia gần đây đã tăng cường năng lực. Họ có nhiều thiết bị quân sự từ nước ngoài” - ông Kurti nói.

NATO hành động

Ngày 1-10, NATO thông báo tổ chức này sẽ triển khai 600 binh sĩ Anh tới Kosovo.

“Anh đang triển khai khoảng 200 binh sĩ từ Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Hoàng gia Công chúa xứ Wales để tham gia vào đội quân gồm 400 người của Anh đang tập trận ở Kosovo, và sẽ có thêm quân tiếp viện từ các đồng minh khác” - ông Dylan White, người phát ngôn của NATO, cho biết.

Theo đài Sky News, nhóm binh sĩ trên sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của NATO. Nhóm này sẽ là một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo (KFOR) - lực lượng gồm khoảng 4.500 binh sĩ từ 27 quốc gia.

Ông White cho biết quyết định trên của NATO được đưa ra sau vụ tấn công bạo lực vào cảnh sát Kosovo hôm 24-9, khiến căng thẳng trong khu vực leo thang.

download (37).jpg
Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở TP Mitrovica (phía bắc Kosovo). Ảnh: AFP

Người phát ngôn của NATO cũng kêu gọi các bên bình tĩnh, đề nghị Kosovo và Serbia nối lại đối thoại càng sớm càng tốt. Ông White cho rằng đối thoại là “cách lâu nhất để đạt được nền hòa bình lâu dài”.

Tổng thống Serbia - ông Aleksandar Vucic gọi quyết định của NATO là "tin tốt". Ông cho rằng những người Serbia tham gia vụ việc hôm 24-9 là “để bảo vệ nhà cửa của họ”.

“Tôi sẽ không gọi người Serbia là những kẻ khủng bố. Tôi không quan tâm mọi người trên thế giới nghĩ gì” - ông Vucic nói.

Theo tờ The Wall Street Journal, các nước phương Tây không muốn gây áp lực lớn lên chính phủ Serbia. Nguyên nhân của điều này là bởi ông Vucic đã đồng ý cung cấp đạn dược sản xuất từ nhà máy của Serbia cho Ukraine, thông qua một nước thứ ba.

Mỹ phản ứng ra sao?

The Wall Street Journal nhận định các quan chức Mỹ đang tìm cách xoa dịu tình hình căng thẳng ở bán đảo Balkan.

Ngày 29-9, ông John Kirby - phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - cho biết Nhà Trắng đã giải mật thông tin tình báo và nhận thấy rằng Serbia đang tiến hành một đợt bố trí quân “chưa từng có”. Theo ông Kirby, các đơn vị pháo binh, xe tăng và bộ binh cơ giới tiên tiến của Serbia đang ở gần khu vực tiếp giáp Kosovo.

“Chúng tôi tin rằng đây là một diễn biến rất bất ổn. Chúng tôi kêu gọi Serbia rút các lực lượng đó và hạ nhiệt căng thẳng” - ông Kirby nói.

Ông Kirby cũng cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu để đề nghị Kosovo và Serbia quay trở lại đối thoại, thông qua khuôn khổ do Liên minh châu Âu thành lập. “Cả hai bên cần thực hiện các cam kết hiện có và tham gia vào quá trình đối thoại với tinh thần thiện chí” - ông nói.

Về phía Serbia, chính phủ nước này phủ nhận thông tin họ triển khai quân đội gần Kosovo. Người phát ngôn của chính phủ Serbia cho biết nước này đã giảm một nửa số quân đồn trú gần Kosovo, xuống còn 7.500 quân.

Cũng trong ngày 29-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Vucic, đề nghị phía Serbia có những động thái giảm căng thẳng với Kosovo.

im-860847.jpg
Cảnh sát Kosovo canh gác trên một con đường gần làng Banjska (phía bắc Kosovo). Ảnh: AP

Trong ngày 29-9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Jake Sullivan đã có cuộc điện đàm với với ông Kurti, để thảo luận về tình hình giữa Kosovo và Serbia. Theo The Wall Street Journal, trong cuộc điện đàm, ông Kurti cho biết ông sẽ không thực hiện thỏa thuận giảm bớt căng thẳng mà Kosovo và Serbia đạt được trước đây.

“Cam kết bảo vệ mọi công dân của chúng tôi là không thể lay chuyển” - ông Kurti viết trên X (trước đây là Twitter) sau cuộc điện đàm.

The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày càng quan tâm về tình hình ở Kosovo. Vị quan chức này cho rằng những diễn biến gần đây cho thấy một “chu kỳ căng thẳng gia tăng đáng lo ngại”. Đây là tín hiệu đáng báo động vì trong nhiều tháng qua, tình hình đàm phán giữa Kosovo và Serbia không có nhiều tiến triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm