Mỗi Trung Thu về, mong mỏi của những gia đình ly tán do chiến tranh Triều Tiên càng hao mòn

(PLO)- Trung Thu là dịp đoàn tụ, nhưng mỗi dịp lễ qua niềm mong mỏi gặp lại người thân của những gia đình ly tán do chiến tranh Triều Tiên càng hao mòn cùng khi thời gian trôi.

Từ ngày 28 đến ngày 30-9, Hàn Quốc và Triều Tiên đón lễ Chuseok. Đây là Tết Trung Thu, cũng được xem là lễ tạ ơn của người dân bán đảo Triều Tiên.

Vào thời gian này, các gia đình sẽ tụ họp, thưởng thức các món ăn truyền thống. Nhiều người sẽ trở về quê để tảo mộ, bày tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn với tổ tiên.

screenshot_2223.jpg
Người Hàn Quốc tỏ lòng thành kính với tổ tiên được chôn cất ở Triều Tiên, trước lễ hội Chuseok 2023, tại đảo Ganghwa (Hàn Quốc). Ảnh: CNA

Đối với những người xa cách quê hương do chiến tranh Triều Tiên, mong muốn được về thăm quê, viếng mộ tổ tiên mãnh liệt gấp bội phần. Hầu hết những người này đều lớn tuổi và đã lâu chưa được về thăm nơi mình sinh ra.

Nhớ quê

“Tôi sang Hàn Quốc năm 22 tuổi và đã đón lễ Chuseok 73 năm ở đây” - một cụ ông 95 tuổi nói.

Mỗi năm đến mùa lễ Chuseok, cụ ông trên cùng với những người bạn có quê gốc ở Triều Tiên làm một buổi lễ nhỏ hướng về quê hương. Họ đã cùng nhau tổ chức buổi lễ này trong suốt nhiều chục năm qua.

Năm nay, họ tổ chức buổi lễ tại đảo Ganghwa (Hàn Quốc). Tại đây, vào những ngày trời quang đãng, người ta có thể nhìn thấy Triều Tiên cách đó chưa đầy 2 km.

“Mỗi mùa Chuseok, tôi đều nghĩ đến bố mẹ và anh chị em. Tôi nhớ họ rất nhiều và muốn trở về quê hương” - cụ ông nói.

Ông Choi Byung-hoon (88 tuổi) cũng có cùng cảm xúc với cụ ông trên. Mỗi dịp lễ Chuseok, ông Choi đều nhớ đến người chú của mình ở Triều Tiên và lật giở các album ảnh để ôn lại kỷ niệm với gia đình.

screenshot_2217.jpg
Ông Choi Byung-hoon (88 tuổi) bên cuốn album của gia đình. Ảnh: CNA

Với ông Choi, các cuốn album không chỉ là sợi dây nối kết ông với gia đình ở Triều Tiên, mà còn là một di sản để lại cho con cháu mình. Ông cho rằng việc nhắc con cháu nhớ nguồn gốc gia đình là rất quan trọng.

“Không nhiều gia đình bị ly tán có được những album như thế này. Ngày nay, nhiều gia đình không biết họ hàng xa của mình là ai. Vì vậy, tôi đã lưu giữ các cuốn album này để cho con cháu tôi biết họ hàng của chúng” - ông Choi nói.

Mỏi mòn mong tin người thân

Hầu hết các mối liên lạc giữa hai miền Triều Tiên đã bị cắt đứt kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953. Điều này khiến hàng trăm nghìn gia đình bị mất thông tin về người thân của mình.

Trước đây, vào những thời điểm quan hệ liên Triều có diễn biến tốt, một số cuộc đoàn tụ đã được tổ chức để những thành viên trong các gia đình bị ly tán có thể gặp nhau.

Cuộc đoàn tụ trực tiếp đầu tiên được tổ chức vào năm 2000. Kể từ đó, 21 đợt đoàn tụ đã được tổ chức cho các gia đình bị ly tán. Đợt đoàn tụ gần đây nhất được tổ chức vào năm 2018.

Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 134.000 người dân nước này đã đăng ký tham gia các cuộc đoàn tụ kể từ khi sự kiện này bắt đầu được tổ chức.

Tuy nhiên, khoảng 93.000 người trong số họ sau đó đã qua đời. Trong số những người còn sống, khoảng 67% đã từ 80 tuổi trở lên.

Để giúp những người này liên lạc với người thân ở Triều Tiên, giới chức Hàn Quốc đã triển khai nhiều biện pháp khác.

Kể từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc cùng với Tổ chức Chữ thập Đỏ đã giúp hơn 24.000 người Hàn Quốc ghi lại tin nhắn video cho người thân của họ ở Triều Tiên.

korea-family-reunion.jpg
Những người Triều Tiên (trên xe buýt) nắm tay người thân (người Hàn Quốc), khi họ chia tay sau cuộc đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang (Triều Tiên) vào tháng 10-2015. Ảnh: AFP

Những người tham gia hy vọng rằng ngay cả khi họ qua đời, những tin nhắn này vẫn sẽ tồn tại. Và một ngày nào đó, tin nhắn có hình ảnh, giọng nói của họ sẽ được chuyển đến những người thân ở Triều Tiên.

Ông Cha Hyun-mo (89 tuổi) là một trong số những người đã quay tin nhắn video. Ông tham gia với hy vọng một ngày nào đó, tin nhắn này sẽ đến được gia đình mình ở Triều Tiên.

Năm 13 tuổi, ông Cha bị tách khỏi cha mẹ và sống một mình ở Hàn Quốc kể từ đó. Trong suốt hơn 75 năm qua, ông đã tìm nhiều cách để liên lạc với gia đình ở Triều Tiên. Ông cho biết em trai và em gái của ông hiện cũng đã gần 80 tuổi.

Trả lời CNA, ông kể lại khoảng thời gian tham gia quân đội Hàn Quốc và có những ngày nghỉ lễ Chuseok một mình vì không có gia đình bên cạnh.

“Khi tôi nhập ngũ, vào những ngày nghỉ lễ Chuseok, mọi người về nhà và khi quay lại doanh trại, họ mang theo đồ ăn gia đình nấu. Nhưng tôi không có nhà để về. Vì vậy, tôi giả vờ như về nhà và ngủ qua đêm ở ga xe lửa” - ông Cha kể.

Công nghệ mới

Những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động để đưa người dân quay về thăm quê hương ở Triều Tiên, dù chỉ là trong thế giới ảo.

Ngay trước kỳ nghỉ lễ Chuseok năm nay, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố một nền tảng thế giới ảo. Nền tảng này tạo lập hình ảnh của một số thành phố ở Triều Tiên, dựa trên ký ức của những người từng sống ở đó trước chiến tranh.

Ông Ahn Hyo-jin - giám đốc điều hành của Tekton Space (công ty tạo ra nền tảng trên) cho biết: “Mong muốn chung của những người bị chia cắt là được trở về quê hương. Chúng tôi đã vượt xa điều đó và tạo ra nội dung để giáo dục con cháu về lý do tại sao các gia đình bị chia cắt, tại sao Chiến tranh Triều Tiên nổ ra và tại sao chiến tranh không bao giờ nên xảy ra nữa”.

Vài năm trước, một dự án thực tế ảo tương tự cũng đã được triển khai. Một trong số những người tham gia dự án lần đó là bà Hyun-mi - ca sĩ huyền thoại người Hàn Quốc.

screenshot_2219 (1).jpg
Bà Hyun-mi trải nghiệm công nghệ thực tế ảo để nhìn ngắm lại ngôi nhà thời thơ ấu ở Triều Tiên. Ảnh: CNA

Khi ấy, bà Hyun-mi đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để nhìn ngắm lại ngôi nhà thời thơ ấu của bà ở Triều Tiên.

“Tôi đã vượt qua biên giới. Và đó là trường tiểu học của tôi. Tôi không thể tin rằng mình đã vượt qua Bàn Môn Điếm. Đây là lần đầu tiên tôi về lại quê hương kể từ khi rời khỏi đây vào năm 13 tuổi. Tôi muốn gặp mẹ tôi, bố tôi, dì tôi, anh chị em tôi. Đã hơn 70 năm trôi qua rồi” - bà nói khi trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.

Tuy nhiên, bà Hyun-mi không chờ được đến ngày đoàn tụ trực tiếp với những người thân của mình. Bà đã qua đời vào đầu năm nay, ở tuổi 85.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm