Hồi sinh hàng chục hồ nước bằng phương pháp cổ 15 thế kỷ

(PLO)- Ông Anand Malligavad đã hồi sinh hơn 30 hồ nước ở Ấn Độ khỏi tình trạng ô nhiễm nhờ áp dụng các phương pháp có từ khoảng 15 thế kỷ trước.

Năm 2017, trong một lần kỹ sư cơ khí Anand Malligavad (43 tuổi) đi dạo với bạn gần văn phòng làm việc của ông ở TP Bengaluru (phía nam Ấn Độ) thì bị ngã xuống hồ Kyalasanahalli. Khi ấy, ông nghĩ mình có thể chết, không phải vì hồ quá sâu mà vì mùi hôi ở đó, theo tờ The New York Times.

Sau đó, ông Malligavad nhận ra đây là hồ chứa nước thải với đầy mảnh nhựa và rác thải xây dựng. Trên đường về nhà, người ông bốc mùi hôi đến mức bảo vệ không cho ông vào khu dân cư.

22india-anand-profile-zkph-superJumbo.jpg
Ông Anand Malligavad. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ngày hôm sau, ông Malligavad đưa ra một lời đề nghị khó tin với công ty của mình, đó là ông sẽ khôi phục lại sự trong sạch cho hồ nước ông ngã xuống hôm trước, nếu công ty chịu tài trợ cho ông.

Phương pháp cổ xưa

Ông Malligavad làm việc tại Sansera Engineering - một trong những nhà sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất Ấn Độ. Khi ông trình đề xuất này lên ban lãnh đạo công ty, họ xem đây là một đề xuất sai trái, thậm chí ngu ngốc. Họ cho rằng ông Malligavad không có kiến thức cải tạo hồ nước nên chẳng thể tin tưởng ông được.

“Họ cười nhạo tôi. Mọi người đều nghĩ tôi bị điên” - ông Malligavad nói.

Tuy nhiên, ông Malligavad vẫn kiên trì theo đuổi dự án mà mình đề xuất. Kết quả là giờ đây, ông Malligavad đã trở thành một trong những người có uy tín hàng đầu về bảo tồn hồ nước ở Ấn Độ - một trong những quốc gia có mức ô nhiễm nước cao nhất thế giới.

Để cải tạo hồ Kyalasanahalli, ông Malligavad đã sử dụng kiến thức được ghi trong các văn tự của triều đại Chola vào khoảng 1.500 năm trước. Dưới triều đại Chola, một mạng lưới hồ thủy lợi rộng lớn đã được tạo lập ở miền nam Ấn Độ.

Sau 4 tháng nghiên cứu các phương pháp của triều đại Chola, bao gồm cách xử lý bùn trong hồ, ông Malligavad đã thành công trong việc thuyết phục công ty Sansera Engineering tài trợ cho dự án. Theo đó, Sansera Engineering cung cấp khoản tài trợ trị giá 100.000 USD cho dự án dọn dẹp và cải tạo các hồ nước của ông Malligavad.

Ông Malligavad cho biết thực ra vào thời điểm đó, công ty vẫn không hy vọng nhiều vào dự án của ông.

Trong 45 ngày, ông Malligavad sử dụng hàng chục máy xúc và thuê hàng trăm công nhân để dọn một lượng lớn bùn đất, rác thải và nhựa khỏi hồ Kyalasanahalli. Ông đã mở các kênh bị chặn, tạo ra 5 hòn đảo nhỏ bằng bùn đào dưới hồ. Ông để yên lòng hồ như vậy và chờ mưa xuống.

22india-anand-profile-03-tgcp-superJumbo.jpg
Ông Malligavad và các cộng sự tại một dự án cải tạo hồ nước ở TP Bengaluru (Ấn Độ). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Sau đó, mùa mưa gió mùa ở Ấn Độ kéo đến và hồ Kyalasanahalli được tái sinh.

Sáu tháng sau ngày lòng hồ được dọn dẹp, sau mùa mưa gió mùa, nhiều người không còn nhận ra hồ Kyalasanahalli. Giờ đây, ông Malligavad và người dân gần đó có thể chèo thuyền trong làn nước trong vắt, giữa đàn vịt và đàn chim di cư.

“Khi nhìn thấy hồ, tôi cảm thấy trẻ hơn và muốn nhảy xuống đó. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục” - ông Malligavad nói.

Khát vọng cải tạo 100.000 hồ nước

Trong 7 năm kể từ thành công đầu tiên đó, ông Malligavad đã khôi phục 35 hồ nước ở Bengaluru với tổng diện tích bề mặt hơn 3,2 km vuông và khả năng chứa khoảng hơn 600 triệu lít nước. Theo Tổng cục Nước ngầm Ấn Độ, nỗ lực của ông Malligavad đã góp phần làm cho mực nước ngầm trong khu vực tăng hơn 2,4 m trong khoảng 7 năm qua.

Theo The New York Times, TP Bengaluru nổi tiếng khắp Ấn Độ với hệ thống hồ nhân tạo cung cấp nước canh tác nông nghiệp và nước uống cho hàng triệu cư dân. Trong khoảng 30 năm qua, TP này đã trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của Ấn Độ. Dân số tại đây đã tăng từ khoảng 4 triệu người vào những năm 1990 lên khoảng 13 triệu người.

Quá trình đô thị hóa khiến các ngôi làng biến thành những thành phố công nghiệp. Nhiều hồ nước bị san lấp để làm bến xe buýt hoặc sân vận động. Khi nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng, các chung cư cao tầng mọc lên và chặn dòng chảy của các con kênh dẫn nước đến các hồ trong thành phố.

Khối lượng bê tông dày đặc dẫn đến kết quả là TP mất khả năng hấp thụ nước mưa. Ông Malligavad cho biết Bengaluru từng có 1.850 hồ. Giờ đây, TP chỉ còn lại khoảng 465 hồ và chỉ 10% trong số đó có nước sạch. Số hồ còn lại ngập trong rác thải.

Các chuyên gia cho biết, TP Bengaluru đang phải đối mặt tình trạng thiếu khoảng 650 triệu lít nước/ngày. Con số này có thể tăng gấp đôi từ đây đến cuối năm 2030. Việc các hồ nước bị san lấp và ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nước mưa không có chỗ rút cũng khiến nhiều khu vực tại Bengaluru thường xuyên bị ngập lụt.

Tuy nhiên, ông Malligavad quyết tâm làm hết sức để cứu những hồ nước ở Bengaluru. Bằng cách vận dụng các phương pháp cổ của triều đại Chola, ông đã giúp phân loại và dọn sạch rác tại nhiều hồ. Cũng nhờ những phương pháp cổ xưa này, ông đã xây dựng được hệ thống dẫn nước mưa đến các hồ trong vùng.

22india-anand-profile-04-tgcp-superJumbo.jpg
Một hồ nước ở TP Bengaluru (Ấn Độ) sau khi được nhóm của ông Malligavad hồi sinh. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong dự án cải tạo hồ Maragondanahalli ở TP Bengaluru, ông Malligavad nhận được sự tài trợ của các tổ chức phi lợi nhuận. Tại đây, chẳng những giúp dọn rác ra khỏi hồ, nhóm của ông Malligavad còn xây dựng lối đi lát gạch ở mép hồ. Ông cho biết việc mọi người đi dạo bên bờ hồ sẽ khiến họ quan tâm nhiều hơn đến tình trạng ô nhiễm trong hồ.

Tuy nhiên, việc làm ý nghĩa của ông Malligavad cũng khiến nhiều người không vui. Họ là những nhà thầu giàu có và những người lấn chiếm đất hồ để xây nhà.

Mới đây, khi ông Malligavad đến một hồ nước để hướng dẫn các công nhân cách dọn sạch hồ thì một nhóm người hung hăng bước đến. Tất cả họ đều là nam giới, tay cầm dao, gậy tre và yêu cầu ông Malligavad dừng công việc của mình lại.

Dù gặp nhiều khó khăn, ông Malligavad vẫn quyết tâm không dừng lại. Ông được chính quyền nhiều bang mời làm cố vấn bảo tồn nguồn nước.

“Đây là mục đích sống của tôi. Tôi muốn khôi phục 100.000 hồ trước khi chết. Bạn có thể tìm những lựa chọn thay thế cho sữa, nhưng sẽ rất khó khăn nếu không có nước” - ông Malligavad nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm