Chỉ vào vùng nước đục ngầu của Biển Hồ (Tonle Sap), bà Si Vorn cố kìm nước mắt khi nhớ lại đứa con gái 4 tuổi của mình đã chết vì tiêu chảy, sau khi chơi trong hồ nước rộng lớn này.
Gia đình 12 người của bà Si Vom nằm trong số 100.000 người đang sống trong những ngôi nhà nổi tại Biển Hồ. Ngôi làng của bà có 70 ngôi nhà và một trường tiểu học, nhưng không có hệ thống xử lý chất thải vệ sinh, theo hãng tin AFP.
Giờ đây, Wetlands Work (WW) - một doanh nghiệp xã hội địa phương - đang cố gắng giải quyết vấn đề thiếu hệ thống vệ sinh tại đây bằng cách cho lắp đặt các "nhà vệ sinh nổi" HandyPods để lọc chất thải. Tuy nhiên, chỉ một số ít gia đình có đủ khả năng lắp đặt “nhà vệ sinh nổi” do chi phí của nó khá lớn.
Một nhà vệ sinh nổi tại Biển Hồ. Ảnh: AFP |
“Nhà vệ sinh nổi” trên Biển Hồ
Nhiều năm qua, những người dân sống tại Biển Hồ đã đại tiện trực tiếp vào nguồn nước mà họ dùng để nấu ăn, giặt giũ và tắm rửa. Điều này gây nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, thậm chí là các bệnh nghiêm trọng hơn do nước bẩn gây ra như dịch tả.
"Chúng tôi sử dụng nước này, chúng tôi uống nước này và chúng tôi đại tiện vào nước này. Mọi thứ!", bà Si Vorn nói. Bà cũng cho biết gia đình bà đổ bệnh thường xuyên.
“Ngày nào tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của mình nhưng không biết phải làm sao” - bà Si Vom chia sẻ.
Theo tổ chức từ thiện WaterAid, khoảng một phần ba dân số Campuchia không được sử dụng nhà vệ sinh phù hợp. Đồng thời, tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng số lượng tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở Campuchia.
Wetlands Work hy vọng những “nhà vệ sinh nổi” HandyPods của mình có thể giúp ích cho ngôi làng của bà Si Vorn và những ngôi làng tương tự ở các quốc gia khác.
HandyPods sử dụng 3 bể nhỏ để lọc và làm sạch nước thải.
Chất thải của con người từ nhà vệ sinh lần lượt đi vào các bể của HandyPods. Bên trong các bể này có hàng tỉ vi khuẩn nhằm loại bỏ mầm bệnh. Nước sau xử lý được thải trực tiếp ra hồ.
Chi phí lắp đặt "nhà vệ sinh nổi" HandyPods là khoảng 175 USD. Ảnh: AFP |
Trả lời AFP, ông Taber Hand, người sáng lập Wetlands Work, cho biết: “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề vệ sinh ở những ngôi làng nổi chưa bao giờ có được hệ thống vệ sinh trước đây”
Theo Wetlands Work, nước thải từ HandyPods có thể không đủ sạch để uống nhưng nó có thể dùng để tắm rửa và nấu ăn.
Rào cản
Wetlands Work đã lắp đặt hơn 100 HandyPod tại 20 ngôi làng trên Biển Hồ thông qua 2 dự án do Liên minh châu Âu tài trợ. Tổ chức này đặt mục tiêu lắp đặt thêm thêm 200 “nhà vệ sinh nổi” nữa từ đây đến năm 2025.
Ngoài Campuchia, Wetlands Work cũng đã lắp đặt hệ thống này tại 12 ngôi làng ở Myanmar. Tuy nhiên, chi phí là một trở ngại lớn cho việc triển khai rộng rãi.
“Nhà vệ sinh nổi” HandyPods có giá khoảng 175 USD - một khoản tiền khổng lồ đối với cộng đồng ngư dân tại Biển Hồ. Tại đây, vào những ngày bội thu nhất, một ngư dân có thể kiếm được khoảng 5 USD.
Ông Hand cho biết nhóm của ông đang xem xét trợ cấp để các gia đình chỉ phải trả từ 35 USD đến 40 USD cho việc lắp đặt HandyPods.
Trường học ở làng Chong Prolay trên Biển Hồ, tỉnh Siem Reap, Campuchia. ẢNh: AFP |
Bà Chan Sopheary, một nhân viên của Wetlands Work, cho biết người dân vùng Biển Hồ bắt đầu thay đổi nhận thức về vấn đề vệ sinh, nhưng họ không sẵn sàng lắp đặt HandyPods do thu nhập của họ còn tương đối thấp.
"Chúng tôi không có tiền để lắp đặt nó vì chúng tôi chỉ kiếm đủ tiền chi tiêu hàng ngày. Nếu không ai giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng hồ (làm nhà vệ sinh)" - ông Yoeun Sal, chồng của bà Si Vorn, nói.