Rộ dự đoán LHQ sẽ có nữ tổng thư ký đầu tiên

(PLO)- Sau kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng LHQ, thông tin về các ứng viên tiếp theo cho vị trí Tổng thư ký LHQ trở thành chủ đề rất được quan tâm.

Dù phải đến năm 2026 quy trình tuyển chọn Tổng thư ký mới của Liên Hợp Quốc (LHQ) mới bắt đầu nhưng ngay từ sau kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng LHQ vừa qua, thông tin về các ứng cử viên cho vị trí này đã trở thành chủ đề được quan tâm.

Nổi bật trong số những cái tên tiềm năng cho vị trí người đứng đầu LHQ là Thủ tướng Cộng hòa Barbados - bà Mia Mottley.

Tuần trước, khi được phóng viên hỏi liệu bà có tranh cử để trở thành Tổng thư ký tiếp theo của LHQ hay không, bà Mottley chỉ giơ ngón tay cái lên, mỉm cười và rời đi.

Đài CNN dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề nói rằng bà Mottley nhiều khả năng sẽ trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua này.

Thứ nhất, trong lịch sử, vị trí Tổng thư ký LHQ thường có sự luân chuyển về mặt địa lý nên nhiều khả năng lãnh đạo tiếp theo của cơ quan này sẽ đến từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Thứ hai, nhiều người cho rằng đã đến lúc LHQ cần có một lãnh đạo nữ đầu tiên sau 78 năm thành lập.

Liên Hợp Quốc sẽ có nữ Tổng thư ký đầu tiên?
Thủ tướng Cộng hòa Barbados Mia Amor Mottley phát biểu tại kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22-9. Ảnh: REUTERS

Vì sao bà Mottley gây chú ý?

Bà Mottley trở thành thủ tướng CH Barbados vào năm 2018 và chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai vào 4 năm sau đó trong cuộc bầu cử đầy kịch tính.

Trên bình diện quốc tế, vị nữ thủ tướng được chú ý vì đã cắt đứt mối quan hệ hậu thuộc địa của Barbados với Anh cũng như nổi tiếng với những lời hùng biện mạnh mẽ yêu cầu bồi thường cho chế độ nô lệ, chống biến đổi khí hậu và cải cách các thể chế tài chính toàn cầu.

lhq-tong-thu-ky.png
Thủ tướng Cộng hòa Barbados Mia Amor Mottley tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc. Ảnh: UNTCAD

Bà Mottley cũng không hề dè dặt khi nói về các nước lớn. Tuần trước, trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ, bà đã thẳng thắn đặt vấn đề về sự bất công trong việc tiếp cận dầu khí Venezuela giữa một bên là Liên minh châu Âu (EU) cùng các công ty dầu khí phương Tây giàu có và một bên là người dân các nước vùng Carribe.

Năm 2022, bà Mottley khởi xướng Sáng kiến ​​Bridgetown - một kế hoạch chính trị nhằm cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu để giúp những nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và gánh nặng nợ công.

Vào tháng 4, nữ lãnh đạo của quốc gia vùng Caribe hợp tác với Tổng thư ký LHQ António Guterres nhằm cải thiện sáng kiến của mình thành Bridgetown 2.0, đưa ra 6 ưu tiên phát triển về tài chính để thảo luận tại kỳ họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10, Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 11 và Hội nghị thượng đỉnh Tương lai tại trụ sở LHQ (TP New York, Mỹ) vào năm tới.

Với những đóng góp của bà Mottley, nhiều nhà ngoại giao tại LHQ cũng như từ nhiều nước bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng của bà trong việc đại diện cho các nước đang phát triển nếu bà Mottley trở thành người đứng đầu LHQ. Họ cũng trông chờ bà sẽ mang phong cách lãnh đạo độc đáo của mình vào vai trò này.

Một nhà ngoại giao tại LHQ nói với CNN: “Tôi không nghĩ có một nhà lãnh đạo nào khác trong lịch sử gần đây ngoài cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lại được cộng đồng quốc tế chú ý như bà ấy”.

Thủ tướng của Saint Vincent và Grenadines (quốc gia láng giềng cũng thuộc vùng Caribe) - ông Ralph Gonsalves nói rằng ông chắc chắn sẽ bầu cho bà Mottley nếu bà ra tranh cử.

“Tôi nghĩ bà ấy sẽ trở thành một Tổng thư ký tuyệt vời. Dù bà ấy làm gì, tôi cũng sẽ ủng hộ” - ông Gonsalves chia sẻ.

Tuy nhiên, một số người cảnh báo rằng bà Mottley đang gặp rủi ro chính trị khi các sáng kiến của bà thách thức đáng kể hiện trạng tài chính quốc tế.

Các nhà quan sát khác chỉ ra rằng việc cố gắng nâng cấp các hệ thống hiện có có nguy cơ khiến ít nhất 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ không hài lòng. 5 nước này, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, là những nước đưa ra quyết định cuối cùng về việc lựa chọn Tổng thư ký LHQ.

Tranh cãi xoay quanh “ứng viên nữ”

Tổng thư ký tiếp theo của LHQ dự kiến sẽ nhậm chức vào tháng 1-2027, do đó vẫn còn quá sớm để nói về người lãnh đạo mới của cơ quan này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là cuộc thảo luận cần thiết đối với LHQ - một thể chế đang ở giai đoạn bước ngoặt và phải vật lộn với những lời chỉ trích.

Bình luận về điều này, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nói: “Tôi không nghĩ là còn sớm chút nào. Việc bắt đầu thảo luận về điều này là rất quan trọng bởi vì vấn đề đặt ra là tương lai của LHQ và Hội đồng Bảo an sẽ như thế nào”.

Bà Elina cũng ủng hộ việc LHQ có nữ lãnh đạo đầu tiên.

“Vị trí Tổng thư ký chủ yếu dựa trên thành tích nhưng tôi nghĩ sẽ rất đáng lưu tâm nếu một lần nữa, người được chọn không phải là phụ nữ” - bà Elina cho hay.

Để được xem xét cho vị trí Tổng thư ký LHQ, các ứng cử viên trước tiên phải được một quốc gia đề cử (thường là chính đất nước của họ), sau đó được Hội đồng Bảo an lựa chọn để tiến cử lên Đại Hội đồng LHQ.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, một nhóm quốc gia đã cam kết chỉ tuyển chọn ứng viên nữ. Cuộc bầu cử năm đó có 13 ứng cử viên tranh cử, trong đó 7 người là nữ, nhưng cuối cùng người được chọn là ông Guterres.

Các sáng kiến đấu tranh cho ứng viên nữ tiếp tục được khởi động cho đợt tranh cử năm 2026.

Ông Ben Donaldson - người đứng đầu các chiến dịch tại Hiệp hội LHQ của Anh nói: “Tôi hy vọng thông điệp sẽ được truyền tải rõ ràng đến hầu hết các nước rằng không quốc gia nào nên đề cử các ứng cử viên nam”.

Bà Susana Malcorra - cựu ứng cử viên trong cuộc đua Tổng thư ký năm 2016 và là người đồng sáng lập và chủ tịch của nhóm vận động Tiếng nói Lãnh đạo Phụ nữ Toàn cầu - cũng đang nỗ lực để đảm bảo áp lực chính trị sẽ đưa các ứng cử viên nữ tiến lên trong đợt bầu cử tiếp theo.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với nỗ lực này. Ông Dennis Francis - Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ lần thứ 78 cho rằng không nên kiềm chế việc nam giới ra tranh cử để tạo cơ hội cho phụ nữ.

“Điều tôi muốn thấy là phụ nữ chiến thắng trong trong cuộc tuyển chọn chứ không phải chiến thắng trong một cuộc đua toàn là phụ nữ. Đó sẽ là một thông điệp sai lầm” - ông Francis nêu ý kiến.

Còn những ứng viên nào cho cuộc đua Tổng thư ký LHQ?

Đài CNN dẫn hai nguồn tin cho biết cựu Tổng thống Colombia - ông Juan Manuel Santos - người đoạt giải Nobel Hòa bình - sẽ sớm phát động chiến dịch tranh cử, dù đại diện của ông Santos phủ nhận điều này.

Ông Rafael Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng là cái tên thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về người có thể kế nhiệm ông Guterres.

Bên cạnh đó, còn có một số nhân vật đáng chú ý như Thư ký thường trực Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của LHQ (CEPAL) - bà Alicia Bárcena, ông Rebeca Grynspan - quan chức cấp cao của LHQ và cũng là cựu Phó Tổng thống Costa Rica, bà Maria Fernanda Espinosa Garcés - cựu Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ và cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm