Hội nghị khí hậu LHQ: Mỹ, Trung Quốc không trong danh sách phát biểu

(PLO)- Nhiều ý kiến băn khoăn khi hai ông lớn Mỹ và Trung Quốc không có trong danh sách phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu LHQ vừa qua. 

Ngày 20-9, Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã được tổ chức tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ) với sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế.

Đáng chú ý, Trung Quốc và Mỹ, vốn là hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới không có trong danh sách phát biểu tại hội nghị. Giới phân tích cho rằng đây có thể xem như một lời cảnh tỉnh từ LHQ tới các nhà phát thải.

Một diễn đàn “nghiêm túc và dứt khoát”

Có đến 100 quốc gia bày tỏ nguyện vọng muốn phát biểu nhưng LHQ chỉ chọn 41 đại diện trong số này. Những cái tên nổi bật như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật, Ấn Độ và cả chủ nhà Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) sắp tới là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều không có trong danh sách phát biểu.

Trong số 4 quốc gia/khu vực phát thải lớn nhất toàn cầu chỉ có Liên minh châu Âu (EU) được mời phát biểu, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia được mời phát biểu.

LHQ loại Mỹ, Trung khỏi nhóm phát biểu tại hội nghị khí hậu
Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 20-9 tại New York (Mỹ). Ảnh: EPA

Tờ The Washington Post dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chia sẻ tại hội nghị rằng đây là một diễn đàn “nghiêm túc và dứt khoát” và chỉ những nhà lãnh đạo cấp cao mà ông coi là thực hiện nghiêm túc cam kết về khí hậu mới được mời phát biểu.

Bình luận về động thái của LHQ, ông David Ryfisch - người đứng đầu bộ phận chính sách khí hậu quốc tế tại tổ chức phi chính phủ Germanwatch (Đức) nhận định rằng việc này đặt ra “các tiêu chuẩn rõ ràng về những gì các quốc gia phải thể hiện và chứng minh để được chú ý” tại hội nghị thượng đỉnh.

Ông Ryfisch cho rằng mặc dù Trung Quốc đang tăng tốc sản xuất năng lượng tái tạo nhưng nước này cũng đang xây dựng thêm nhiều nhà máy than nên có thể ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mức phát thải trước năm 2030.

Về phía Mỹ, vị chuyên gia nhận xét: “Mỹ trong thời gian dài là nước phát thải lớn nhất và họ có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và suốt một thập niên qua, Mỹ đã thất bại trong việc này”.

Giáo sư Mark Howden - giám đốc Viện Giải pháp Khí hậu, Năng lượng và Thảm họa của ĐH Quốc gia Úc cho rằng LHQ đang muốn tạo ra “tâm lý ngượng ngùng” cho các quốc gia không được mời phát biểu và điều này có thể có tác dụng.

“Trên phạm vi quốc tế, việc này có thể gây ra những hậu quả về mặt kinh tế. Bởi vì các quốc gia có xu hướng ngại giao dịch với các nước 'nằm trong vùng mây mù'” - Giáo sư Howden nói với kênh Channel News Asia.

Tuy nhiên, vị chuyên gia không cho rằng việc loại Mỹ và Trung Quốc trong trường hợp này là một động thái tốt.

“Tôi nghĩ cần phải có hai nước phát thải lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc tham gia phát biểu” - ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ và Trung Quốc cũng có những khoản đầu tư lớn để giải quyết những vấn đề khí hậu, thúc đẩy năng lượng sạch.

Chung tay giải quyết vấn đề toàn cầu

khi-hau-lien-hop-quoc-my.jpg
Người biểu tình về khí hậu tập trung tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 17-9 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu. Ảnh: AFP

Cũng theo Giáo sư Howden, những quốc gia, tổ chức lọt vào danh sách phát biểu tại hội nghị đã được LHQ lựa chọn cẩn thận. Những cái tên đáng chú ý khác trong danh sách phát biểu gồm Canada, Chile, Đan Mạch, Pháp, Đức, Pakistan, Nam Phi, Ai Cập (nước chủ nhà GOP 27),…

Giáo sư Howden cho rằng những quốc gia được chọn là những nước “có nhiều tham vọng hơn trong việc giảm phát thải”.

“Các nước này đã cập nhật các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Họ đã có kế hoạch mạnh mẽ để chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo nhưng theo những cách rất hợp lý để không gây gián đoạn xã hội và cũng không mở thêm các hoạt động khai thác than, khí đốt và dầu” - ông Howden nói thêm.

Theo giới quan sát, không giống như các quốc gia được chọn phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu vừa qua, nhiều quốc gia khác vẫn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu trước các vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Giáo sư Howden lưu ý: “Rõ ràng, các nhà lãnh đạo quốc gia thường ưu tiên giải quyết các vấn đề trong nước và đảm bảo lợi ích quốc gia”.

“Chúng ta cần phải hành động (cùng nhau) thay vì chỉ các quốc gia riêng lẻ nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết vấn đề này, bởi vì đây là vấn đề toàn cầu” - vị chuyên gia nhấn mạnh, đồng thời trích dẫn tính ràng buộc về mặt pháp lý của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đối với các quốc gia.

Đồng quan điểm, ông Ryfisch kêu gọi các quốc gia hợp tác chặt chẽ hơn để chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo.

Ông cho rằng mặc dù các nguồn năng lượng tái tạo mang lại lợi ích kinh tế nhưng việc một số quốc gia và doanh nghiệp đang “cố gắng thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch” đang “ngăn cản sự đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu”.

“Vì vậy, sự chia rẽ mà hiện nay, đặc biệt là giữa Trung Quốc và phương Tây đang có hại cho hành động vì khí hậu khi điều chúng ta cần để giành chiến thắng trước cuộc khủng hoảng khí hậu là sự hợp tác” - theo ông Ryfisch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm