Ngôi làng hòa bình của người Do Thái, Ả Rập ở giữa Tel Aviv và Jerusalem

(PLO)- Làng Ốc đảo Hòa bình ở Israel được xem là hiện thân cho ước mong hòa hợp, cùng chung sống của người dân thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bên cạnh con đường cao tốc chính nối TP Tel Aviv và TP Jerusalem (Israel) có một nghĩa trang. Nhìn từ xa, nghĩa trang này trông giống như bất kỳ nghĩa trang nào khác ở Israel, nhưng khi xem kỹ các ngôi mộ, người ta phát hiện một sự thật đáng kinh ngạc: đây là nơi chôn cất những người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.

Nghĩa trang này nằm trong Ốc đảo Hòa bình - một ngôi làng nhỏ là nơi sinh sống của khoảng 70 gia đình Ả Rập và Do Thái. Tất cả đều là công dân Israel. Họ chuyển đến đây từ khắp nơi trên Israel, theo tờ The New York Times.

00Israel-Village-Dispatch-01-fchj-superJumbo.jpg
Quang cảnh làng Ốc đảo Hòa bình (Israel). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ở ngôi làng này, trẻ em học cả tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái ở trường. Trong một năm, người dân ở đây tổ chức đủ lễ Hanukkah (lễ của người Do Thái), tháng Ramadan (tháng lễ của người Hồi giáo) và lễ Giáng sinh (lễ của người theo Cơ đốc giáo).

Ngôi làng hòa bình

Ngôi làng là ý tưởng của ông Bruno Hussar - một tu sĩ sinh ra ở Ai Cập trong một gia đình Do Thái. Năm 1972, ông Hussar đến một tu viện tại ngôi làng vắng người ở Israel. Tại đây, ông đã nhờ các tu sĩ hỗ trợ xây dựng một ngôi làng để người theo đạo Cơ đốc, người Do Thái và người Hồi giáo có thể cùng chung sống.

Các tu sĩ cho ông thuê đất trên một ngọn đồi cằn cỗi gần đó. Sau đó, ông Hussar chuyển đến đó, biến một chiếc xe buýt thành ngôi nhà mới và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình.

Trong những năm thành lập, ngôi làng thiếu những nhu yếu phẩm cơ bản và cư dân ở đây phải đi bộ đến thị trấn gần đó nhất để tắm. Năm 1994, ngôi làng đã được chính phủ Israel chính thức công nhận và cho lắp đặt hệ thống điện, nước.

Theo thời gian, ngôi làng trở nổi tiếng, là điểm dừng chân của các nhân vật nổi tiếng. Trong số đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Kể từ những năm đầu thành lập, số lượng nhà trong làng đã được chia đều cho các gia đình người Ả Rập và Do Thái. Những năm gần đây, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng để phục vụ cho các gia đình mới chuyển đến. Trong khi đó, nhiều gia đình đang nằm trong danh sách chờ được sống tại làng.

Bà Nur Najjar (34 tuổi) sinh ra trong gia đình Ả Rập đầu tiên đến Ốc đảo Hòa bình. “Tôi đã có một tuổi thơ tươi đẹp ở đây. Tôi cảm thấy hoàn toàn tự do. Đó là điều hiếm thấy với một cô gái Ả Rập sống ở Israel” - bà Najjar nói.

00Israel-Village-Dispatch-02-fchj-superJumbo.jpg
Người dân ở làng Ốc đảo Hòa bình (Israel). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hiệu trưởng ngôi trường của làng là một người Israel gốc Palestine. Tại làng có một trung tâm tâm linh dành chung cho tất cả người dân, bất kể tôn giáo. Người quản lý trung tâm tâm linh này là một người Do Thái.

Sau cuộc bầu cử gần đây, ứng viên đắc cử chức chủ tịch hội đồng làng là người Do Thái. Trước đó, chức vụ này do một người Palestine nắm giữ.

The New York Times đánh giá sự cân bằng quyền lực này là điểm sáng, trong bối cảnh xã hội Israel chứng kiến nhiều sự chia rẽ và triển vọng giải quyết xung đột giữa người Israel và người Palestine vẫn mờ nhạt.

Mặc dù dân số của ngôi làng chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng dân số của Israel, nhưng những cư dân ở đây vẫn hy vọng ngôi làng có thể trở thành hình mẫu cho một tương lai hòa bình trong khu vực.

“Khi bạn sống ở đây, việc phân biệt chủng tộc là điều không thường diễn ra. Việc lớn lên cùng nhau tạo nên sự khác biệt rất lớn” - ông Amit Kitain (40 tuổi), một cư dân Do Thái của làng Ốc đảo Hòa bình, nói.

Không phải giấc mơ

Ông Tom Kitain nằm trong thế hệ trẻ em đầu tiên của làng Ốc đảo Hòa bình. Năm 1997, ông đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trên đường đến Lebanon để phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Israel.

Bà Shireen Najjar (43 tuổi) - chị gái của bà Nur Najjar - cho biết: “Bố tôi luôn nói rằng đám tang của ông Tom là lần duy nhất người Palestine khóc khi đi sau quan tài của một người lính Israel”.

Tuy nhiên, sự ra đi của ông Kitain cho thấy ngay cả ở một ngôi làng hướng tới hòa bình, căng thẳng và bất đồng gay gắt là điều không thể tránh khỏi.

Gia đình ông Tom Kitain đề nghị lấy tên ông để đặt cho sân bóng rổ của làng - nơi ông đã dành phần lớn thời gian tuổi trẻ của mình để chơi bóng. Tuy nhiên, một số cư dân trong làng, chủ yếu là người gốc Palestine, phản đối gay gắt. Họ xem ông Tom Kitain là người tích cực tham gia vào việc chiếm đóng và đàn áp người Palestine.

Sau đó, ngôi làng đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu. Sau cuộc tranh luận căng thẳng, họ đã tán thành việc xây dựng đài tưởng niệm. Ngày nay, một tấm bảng treo ở lối vào tòa án của làng có dòng chữ “Tưởng nhớ Tom Kitain của chúng ta - một đứa trẻ của hòa bình đã thiệt mạng trong chiến tranh”.

Công dân Do Thái ở Israel phải gia nhập quân đội ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Ông Amit Kitain - em trai của ông Tom Kitain - gặp nhiều khó khăn trong việc đóng quân. Ông phải đổi đơn vị nhiều lần và tránh phải đóng quân ở những khu vực đang căng thẳng. Ông cũng cảm thấy khó có thể trở về làng sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự.

“Một trong những điều mà người gốc Palestine ở đây gặp khó khăn là một số người trong chúng tôi sẽ nhập ngũ. Nhưng đối với chúng tôi, điều đó thể hiện lòng trung thành” - ông Amit Kitain nói.

00Israel-Village-Dispatch-05-fchj-superJumbo (1).jpg
Buổi họp phụ huynh đầu năm ở trường học tại làng Ốc đảo Hòa bình (Israel). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bà Isabela Dos Santos là người nghiên cứu về ngôi làng. Bà cho rằng ý tưởng về hòa bình của cư dân trong làng đang rất rõ ràng.

“Tôi nghĩ rằng ngôi làng đang cho thấy hòa bình là rất phức tạp và nó trải qua những giai đoạn không hoàn hảo, nhưng đó không phải là mục tiêu xa vời không thể thực hiện được” - bà Santos nói.

Vào một buổi chiều gần đây, người dân trong làng Ốc đảo Hòa bình đã tụ tập để tổ chức bữa tiệc cạnh bể bơi. Bọn trẻ té nước quanh hồ bơi, trong khi bố mẹ chúng trò chuyện trên bãi cỏ rợp bóng mát.

Trong khu cảnh đó, thật khó để phân biệt gia đình nào là người Ả Rập, gia đình nào là người Do Thái.

“Chúng tôi có thể sống cùng nhau. Đó không phải là một giấc mơ. Điều đó thực sự có thể xảy ra” - ông Kiatin nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm