Núi Phú Sĩ là núi cao nhất nước Nhật. Cùng với hoa anh đào, kimono, đây là biểu tượng thường thấy trên những quảng cáo du lịch về quốc gia Đông Bắc Á này.
Tuy nhiên, ít người có thể tưởng tượng được rằng núi Phú Sĩ đang phải đối mặt với một loạt vấn đề nan giải: ùn tắc giao thông, chân núi ngập rác và khách du lịch chen chúc, theo đài CNN.
Với bà Miho Sakurai - một kiểm lâm viên kỳ cựu tại sườn núi Phú Sĩ trong 7 năm qua, đây là những cảnh tượng quen thuộc.
“Hiện tại, trên núi có quá nhiều người. Con số này cao hơn nhiều so với trước đây” - bà Sakurai nói.
Khách đông, áp lực lớn
Khi núi Phú Sĩ được thêm vào danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vào năm 2013, Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) - cơ quan cố vấn của UNESCO - đã kêu gọi các quan chức Nhật chú ý quản lý du lịch.
Theo chính quyền tỉnh Yamanashi - nơi núi Phú Sĩ tọa lạc, số lượng du khách tham gia đi bộ lên núi đã tăng từ 2 triệu người năm 2012 lên hơn 5 triệu người vào năm 2019. Vào tháng 7-2023, khoảng 65.000 người đi bộ đường dài đã lên tới đỉnh núi Phú Sĩ, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Các quan chức cho biết sự bùng nổ du lịch sau đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến lượng du khách đổ về núi Phú Sĩ đông đúc hơn. Năm 2023, khi núi Phú Sĩ đánh dấu kỷ niệm 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, các quan chức cho biết tình hình môi trường tại vùng núi này đạt đến “điểm nguy kịch”.
Ông Masatake Izumi - quan chức chính quyền tỉnh Yamanashi - cho biết: “Tình trạng quá tải khách du lịch đã kéo theo những hậu quả như rác thải, lượng khí thải CO2 tăng. Ngoài ra, vấn đề lớn nhất là nhiều du khách không chú ý đến sự an toàn của mình”.
Theo ông Izumi, trong số 10 trạm đi bộ đường dài của núi Phú Sĩ, trạm thứ năm - nằm gần lưng chừng ngọn núi - đón 90% du khách lên núi. Hầu hết du khách đến trạm này thông qua tuyến đường Fuji Subaru, bằng xe buýt, taxi và xe điện từ Tokyo.
“Được xây dựng cách đây gần 60 năm trong kỷ nguyên cơ giới hóa của Nhật, tuyến Fuji Subaru giúp du khách và gia đình có thể đi thẳng đến trạm đi bộ thứ năm ở lưng chừng núi. Nó cho phép mọi người trải nghiệm núi Phú Sĩ” - ông Izumi nói.
Tuy nhiên, việc thuận tiện trong di chuyển lại đặt ra một vấn đề lớn. Các chuyên gia cho rằng trải nghiệm leo núi ở núi Phú Sĩ đang mất dần tính hấp dẫn vì quá đông đúc. Ngoài ra, việc nhiều người tham gia đi bộ đường dài cũng đang đặt áp lực lớn đối với hệ thống vệ sinh và y tế của ngọn núi.
Theo ông Kiyotatsu Yamamoto - chuyên gia về núi Phú Sĩ tại ĐH Tokyo - trải nghiệm leo núi đã không còn nhiều hấp dẫn đối với những người đi bộ đường dài dày dạn kinh nghiệm.
“Đông đúc và ùn tắc giao thông trên những con đường mòn lên núi là nguyên nhân chính khiến những người leo núi không hài lòng. Những người đi bộ đường dài muốn ngắm bình minh đều tụ tập gần đỉnh núi. Nhưng giờ đây, thay vì mất 2 giờ để đi một đoạn đường trên núi Phú Sĩ, họ phải mất 4 giờ vì du khách quá đông” - ông Yamamoto nói.
Nỗ lực bảo vệ núi Phú Sĩ
Trả lời CNN, ông Yasuyoshi Okada - Chủ tịch ICOMOS của Nhật - cho rằng “để bảo tồn sự linh thiêng” của núi Phú Sĩ và giá trị của một Di sản Thế giới, “vấn đề quá tải du lịch phải được giải quyết”.
Trong những năm qua, các biện pháp quản lý du lịch đã được thực hiện để bảo vệ núi Phú Sĩ.
Từ năm 2004 đến năm 2018, các tình nguyện viên của câu lạc bộ Fujisan - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn núi Phú Sĩ - đã thực hiện 992 hoạt động dọn dẹp ở chân núi. Các hoạt động đã thu hút 74.215 người tham gia và thu gom được 850 tấn rác.
Năm 2022, nhóm này bắt đầu thực hiện kiểm tra rác thải bằng xe đạp điện, có trang bị camera và thiết bị thu thập dữ liệu định vị. Hoạt động này nhằm tạo bản đồ, biểu đồ về loại và số lượng rác trong khu vực núi Phú Sĩ.
“Đây là hoạt động kiểm tra rác bằng xe đạp điện và trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới” - ông Nanai Tatsuo, một tình nguyện viên của câu lạc bộ Fujisan, nói.
Ông Yamamoto cho hay để cải thiện trải nghiệm của du khách, các quan chức đã giới hạn số lượng người leo núi Phú Sĩ ở mức 4.000 người/ngày đối với đường mòn Yoshida - một trong 4 tuyến đường lên núi.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đạt mục tiêu này là cả một thách thức.
Theo CNN, không giống như ở Mỹ, các vườn quốc gia và Di sản Thế giới ở Nhật không có cổng ngăn du khách ra vào. Theo ông Yamamoto, để chặn đường dành cho người đi bộ đường dài, nhà nước phải ban hành luật và chính quyền địa phương phải ra quy định. Đây có thể là một quy trình mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, ông Izumi cho biết chính quyền địa phương muốn thay đổi hoàn toàn cách người dân đi đến ngọn núi.
Các phương án khả thi bao gồm xây dựng hệ thống đường sắt hạng nhẹ trên tuyến Fuji Subaru, nhằm ngăn ô tô và xe buýt di chuyển dọc theo tuyến đường này.
Ông Izumi cho rằng việc kiểm soát số lượng du khách sẽ dễ dàng hơn khi họ di chuyển bằng tàu hỏa. Ông cũng đề xuất đọc các bài giới thiệu về núi Phú Sĩ trên tàu, để mọi người tìm hiểu về ngọn núi và cách leo núi an toàn.
“Núi Phú Sĩ đang hét lên đau đớn. Chúng ta không thể chỉ chờ đợi sự cải tiến, chúng ta phải giải quyết tình trạng du khách quá tải ngay bây giờ” - ông Izumi nói.