Nạn buôn người diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp bị ép bán dâm

(PLO)- Tình hình mua bán người diễn biến tương đối phức tạp, nhiều trường hợp bị mua đi bán lại, cưỡng bức, ép buộc bán dâm, thậm chí là lấy bộ phận cơ thể...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (6-7), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người".

Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Phát biểu khai mạc, bà Mai Thị Phương Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng công tác đấu tranh phòng chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến tương đối phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây bất an, lo lắng trong nhân dân, nhất là việc lợi dụng chính sách về đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài... để lừa nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Thậm chí tham gia lừa đảo trên mạng nhưng lại núp bóng dưới danh nghĩa “việc nhẹ, lương cao”, nhiều trường hợp bị mua đi bán lại, cưỡng bức, thậm chí là lấy bộ phận cơ thể...

Theo bà Hoa, một trong những nguyên nhân là do các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người được ban hành đã lâu, không còn phù hợp, một số quy định thiếu tính đồng bộ, thống nhất...

Bà Hoa cho biết, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN) (sửa đổi) đang được nghiên cứu để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Hội thảo này nhằm mục đích đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát về tình hình thực hiện Luật PCMBN, đưa ra những vướng mắc của pháp luật về mua bán người để có những định hướng, giải pháp trong hoàn thiện pháp luật...

Bà Mai Thị Phương Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) phát biểu khai mạc. Ảnh: YC

Bà Mai Thị Phương Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) phát biểu khai mạc. Ảnh: YC

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Pha (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thành viên Tiểu ban theo dõi hoạt động của CQĐT) trình bày báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát tình hình thực hiện Luật PCMBN tại 9 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, An Giang và Tây Ninh.

Theo báo cáo, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán. Cụ thể, nhiều trường hợp, đối tượng phạm tội ở nước ngoài móc nối với các đối tượng là người Việt Nam đang làm thuê ở Trung Quốc, Campuchia hoặc ở trong nước lợi dụng quan hệ quen biết hoặc sử dụng điện thoại, mạng xã hội (qua Zalo, Facebook...) để tiếp cận, tìm những phụ nữ, trẻ em có trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để môi giới việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài, nhưng thực chất là đưa đi kết hôn bất hợp pháp hoặc đưa ra nước ngoài bán cho những người đàn ông lớn tuổi hoặc bị dị tật làm vợ hoặc ép buộc bán dâm...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Cạnh đó, theo ông Pha, các đối tượng lập Web ảo hoặc thông qua mạng xã hội để đăng thông tin tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”. Theo ông Pha, chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện vài năm gần đây.

Ông Pha cũng cho biết thêm, có địa phương việc khởi tố, điều tra tội phạm mua bán người chưa tương xứng với tình hình tội phạm đang diễn ra, công tác phát hiện các vụ việc còn chưa chủ động...

Kiến nghị sửa đổi Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP

Đáng chú ý, ông Kha thông tin, qua khảo sát, một số địa phương cho rằng Điều 150 (Tội mua bán người), Điều 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi) của BLHS 2015 việc chứng minh tội phạm mua bán người khó hơn do phải chứng minh đủ 3 yếu tố gồm hành vi, thủ đoạn và mục đích. Trong một số trường hợp phải chuyển sang xử lý về các tội danh khác như Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349)...

Theo ông Pha, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, án truy xét, khó phát hiện, chủ yếu phát hiện thông qua tố giác của nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Do đó, đề nghị công an các địa phương cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác điều tra để tránh bỏ lọt tội phạm.

Ông Pha cũng đề nghị TAND Tối cao nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị quyết số 02/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm