Người tên Tâm ngã giá “bán đường” 3 triệu đồng/xe.

Điều tra: 'Mua đường' cho xe đi vào giờ cấm - Bài 3: Giáp mặt người 'bán đường' trong Khu công nghệ cao

(PLO)- Khi gặp mặt, người nhận “bán đường” ra giá xe trên 3,5 tấn muốn được chạy vào giờ cấm qua Khu công nghệ cao phải trả 3 triệu đồng/tháng.

Trên hai số báo trước, chúng tôi đã phản ánh mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe container, xe tải trên 3,5 tấn chạy vào giờ cấm xuyên qua Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM.

Các nhà xe, tài xế đều khẳng định muốn được chạy phải bỏ tiền ra “mua đường”.

Người tên Tâm ngã giá “bán đường” 3 triệu đồng/xe. Ảnh: TẤN LỰC

Người tên Tâm ngã giá “bán đường” 3 triệu đồng/xe. Ảnh: TẤN LỰC

Ra giá “bán đường”

Từ sự tiết lộ của các tài xế, quản lý đội xe, chúng tôi đã tìm được người nhận “bán đường” để các xe đi vào giờ cấm trong KCNC. Chúng tôi liên hệ qua điện thoại với Tâm (người được giới thiệu là “bán đường”) thông qua số điện thoại 09197944... để tìm hiểu thông tin về việc “mua bán đường”.

Khi chúng tôi liên lạc, người tên Tâm dè dặt hỏi thăm “vì sao biết, ai giới thiệu...?”. Chúng tôi cho hay là được hai nhà xe lớn đang “mua đường” trong KCNC giới thiệu thì Tâm nói chuyện cởi mở hơn.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn đi vào giờ cấm trong KCNC thì Tâm hỏi số lượng xe cần đi.

Chúng tôi cho biết là năm xe container và muốn gặp Tâm để nắm kỹ hơn quy trình đưa xe vào. Lúc này Tâm đáp: “Đưa số xe (biển số xe) là đi bình thường thôi, tại vì mình không muốn nhà xe ảnh hưởng tới việc dán logo, logo công ty mình mà đi dán logo khác làm gì, hiểu không?”.

Vừa dứt lời, Tâm tiếp tục nói: “Đi với mình chỉ cần nhắn số xe rồi đóng tiền đi thôi”.

Tâm cũng thừa nhận có mối quan hệ thân thiết với người của hãng xe LTP, vì theo Tâm, hãng xe này đang được Tâm bao chạy vào giờ cấm.

Chúng tôi lo ngại bị bảo vệ trong KCNC chặn xe, không cho vào thì Tâm cam đoan là không có chuyện này và cho hay đang nhận bao hơn 200 đầu xe, giá mỗi xe là 3 triệu đồng.

Sau đó, Tâm hẹn chúng tôi gặp mặt tại một quán nước trên đường Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức để bàn công việc.

Trong một quán cà phê, người tên Tâm cho hay khi giao tiền thì vô tư chạy vào giờ cấm mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Ảnh: TỰ SANG

Trong một quán cà phê, người tên Tâm cho hay khi giao tiền thì vô tư chạy vào giờ cấm mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Ảnh: TỰ SANG

Giáp mặt người nhận “bán đường”

Đến điểm hẹn, chúng tôi gặp người đàn ông khoảng 40 tuổi, đang ngồi cùng một cô gái và giới thiệu mình tên Tâm. Người này tỏ ra rất am hiểu về ngành vận tải.

Chúng tôi trình bày muốn xe chạy xuyên qua KCNC, Tâm liền “tiếp thị”: Việc này sẽ có nhiều cái lợi. Thứ nhất là trạm thu phí, thêm nữa là tiết kiệm được tiền dầu và thời gian quay đầu xe sẽ nhanh hơn.

Gửi danh sách là xe chạy vô tư

Theo Tâm, quy trình “mua bán đường” đi vào giờ cấm là các nhà xe chỉ cần gửi danh sách các xe, sau đó Tâm sẽ gửi cho các chốt bảo vệ để nhận diện và các xe này sẽ được lưu thông với điều kiện hằng tháng phải chung chi tiền.

Khi chúng tôi cho biết có bảy xe muốn vào, Tâm báo giá 21 triệu đồng nhưng sẽ giảm còn 20,5 triệu đồng/tháng.

Tâm cũng cho hay mình không phải là người của KCNC và từ chối nói về mình. “Tôi chịu trách nhiệm hết, ở đây tôi làm cả 200 xe chứ đâu phải một hay hai xe đâu. Tôi không bao quá tải, anh đi quá tải mà dính là tôi không biết, đường này KCNC quản lý nhưng CSGT vẫn vào bắt xe...” - Tâm nói và giải thích thêm về việc “bán đường” của mình.

Để thuyết phục, Tâm nói thêm: “Thằng nào mà không gửi qua tôi, ý là lén lén gửi bảo vệ á, nếu mà nó bắt được là nó đập luôn đó. Đó là đường cấm mà”.

“Thằng nào mà không gửi qua tôi, ý là lén lén gửi bảo vệ á, nếu mà nó bắt được là nó đập luôn đó. Đó là đường cấm mà” - Tâm nói.

Cũng theo Tâm, trong KCNC thi thoảng vẫn có CSGT bắn tốc độ nên xe nào không gửi qua Tâm là dễ bị CSGT xử phạt. “Khi có lực lượng bắn tốc độ, tôi sẽ báo cho nhà xe để tài xế chạy chậm lại... Anh gửi biển số qua thôi, không cần dán logo gì đâu, qua 10 giờ đêm là tôi hết trách nhiệm rồi. Nếu mà xe mới vào thì phải báo cho tôi trước ngày 15, mấy nhà xe cũ thì trước ngày 20 phải chốt xe và gửi tiền cho tôi” - Tâm nói.

Tâm giải thích lý do phải chốt danh sách trước ngày 15 là vì các xe mới vào phải đăng ký, mở danh sách và còn nhiều công đoạn khác.

Ngày 18-4, hai xe container 51C-173.16 và 50H-118.39 chạy xuyên qua Khu công nghệ cao vào giờ cấm. Ảnh: TỰ SANG

Ngày 18-4, hai xe container 51C-173.16 và 50H-118.39 chạy xuyên qua Khu công nghệ cao vào giờ cấm. Ảnh: TỰ SANG

“Ngày 15 chốt sổ chuyển tiền cho tôi nhưng từ ngày 1 tháng sau mới bắt đầu đi. Tức là đi đầu tháng hết, chứ không phải nhà xe này đi ngày này, nhà xe kia đi ngày kia rất là khó quản lý, nếu nhà xe đã đi rồi thì cứ tới ngày 20 chuyển tiền cho tôi, tôi kiểm tra các số xe đó vậy thôi” - Tâm nói.

Về phương thức thanh toán, Tâm cho biết có thể chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt. Tâm cũng dặn với phương thức chuyển khoản thì chỉ nhận số tài khoản cá nhân, không nhận từ số tài khoản công ty.

Sau khi chúng tôi rời đi, những ngày sau đó Tâm liên tục gọi điện thoại hối thúc chúng tôi gửi biển số xe để kịp chốt danh sách cho tháng sau...•

Họp khẩn xử lý vụ “mua đường”

. Các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông qua KCNC; công an làm việc bước đầu với những người liên quan.

Sáng 7-6, ông Lê Văn Thường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết các lực lượng liên quan gồm thanh tra giao thông (TTGT, Sở GTVT TP.HCM), Công an TP Thủ Đức, Ban quản lý KCNC... họp khẩn để xử lý, xác minh nội dung mà báo phản ánh.

Ngày 7-6, CSGT bố trí lực lượng kiểm tra thì không còn cảnh xe trên 3,5 tấn chạy xuyên qua Khu công nghệ cao, trừ những xe phục vụ hoạt động trong khu vực này. Ảnh: TỰ SANG

Ngày 7-6, CSGT bố trí lực lượng kiểm tra thì không còn cảnh xe trên 3,5 tấn chạy xuyên qua Khu công nghệ cao, trừ những xe phục vụ hoạt động trong khu vực này. Ảnh: TỰ SANG

Cũng theo ông Thường, ngày 6-6, ngay khi báo đăng loạt bài “Điều tra: “Mua đường” cho xe đi vào giờ cấm”, ông đã chỉ đạo Đội 5 của TTGT tăng cường tuần tra, kiểm soát và đi kiểm tra thực tế trong khu vực này.

“Tôi chỉ đạo Đội 5 đi thực tế và báo cáo kết quả về TTGT để có hướng xử lý. Đồng thời trong sáng nay, các đơn vị đang tổ chức họp để đưa ra hướng xử lý” - ông Thường nói thêm.

Còn theo Công an TP Thủ Đức, hiện đơn vị vẫn đang xác minh, xử lý nội dung mà báo phản ánh.

Một nguồn tin cho hay công an đã làm việc bước đầu với một số người liên quan mà báo đã phản ánh.

Theo ghi nhận của PV, trong ngày 6 và sáng 7-6, trong KCNC rất thưa xe lưu thông, không còn xe container lưu thông xuyên qua KCNC như trước khi báo phản ánh. Các lực lượng CSGT và TTGT cũng túc trực tuần tra, kiểm soát trong khu vực.

Anh P, một người dân gần KCNC, cho biết ngay khi báo đăng, xe trên 3,5 tấn đã không còn lưu thông nhộn nhịp xuyên qua KCNC từ Xa lộ Hà Nội - đường D1 - đường D2 - Võ Chí Công ra hướng cảng Cát Lái và ngược lại.

“Đường trong KCNC đã thông thoáng trở lại. Đêm qua tôi còn chứng kiến hàng trăm xe container xếp hàng dài trên đường Võ Chí Công chờ đến 22 giờ để được lưu thông vào và ra Xa lộ Hà Nội. Còn trước đây tôi thấy các xe chạy mà không cần chờ đến 22 giờ” - anh P nói thêm.

Theo cơ quan chức năng, từ ngày 1-1 đến 5-6-2023, Đội CSGT-TT Công an TP Thủ Đức trong lúc tuần tra, kiểm soát và làm nhiệm vụ đã phát hiện, xử lý 759 trường hợp vi phạm giao thông trong KCNC.

Trong đó có ba trường hợp quá tải trọng cho phép, 16 trường hợp lưu thông vào đường cấm, 11 trường hợp đón trả khách không đúng quy định, 119 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 360 trường hợp vi phạm quá tốc độ và 250 trường hợp vi phạm khác.

Đọc thêm