Nan giải bài toán cấm xe 3-4 bánh tự chế ở TP.HCM

Sau 10 năm TP.HCM ra quyết sách về cấm-hạn chế xe 3-4 bánh tự chế, đến nay nhiều quận, huyện trên địa bàn TP vẫn xuất hiện tràn lan các loại xe này. Theo đó, TP.HCM một lần nữa yêu cầu thống kê số lượng xe và đề ra các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Mất an toàn giao thông

Ghi nhận của PV chiều 16-10 tại các tuyến đường thuộc khu vực quận Tân Bình như Lê Văn Sỹ , Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt, Đông Hồ, Lạc Long Quân,… nhiều xe ba 3-4 bánh tự chế ngang nhiên lưu thông trên đường, bất chấp nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông xung quanh.

Theo quan sát, hầu hết những xe này rất thô sơ, cũ kỹ nhưng chất đồ cồng kềnh và chở vật liệu xây dựng sắc lẹm (kính, sắt, thép,...). Đồng thời không được chủ nhân ràng dây chắc chắn trước khi di chuyển.

Tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Trần Triệu Luật, PV phát hiện một số xe máy được chế thêm xe thùng phía trước hoặc phía sau để vận chuyển sắt. Một trong những chiếc xe đó ngang nhiên di chuyển sang đường mà không có bất kỳ hiệu lệnh nào. Những thanh sắt được ràng dây lỏng lẻo, có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.

Bà Lê Thị Tuyết Mai (ngụ quận Tân Bình) chia sẻ với PV: “Hằng ngày, tôi thấy rất nhiều xe ba bánh chở hàng chục thanh sắt dài khoảng 5 m từ hướng đường Lý Thường Kiệt men theo đường Hoàng Văn Thụ. Chiếc xe cũ kỹ, mục nát không còn đảm bảo an toàn nhưng lúc nào cũng chất đầy hàng hóa, thật nguy hiểm”.

Ông NVC (tài xế chở xe tự chế ba bánh) bày tỏ: “Chúng tôi biết là lưu thông như vậy thì cũng nguy hiểm nhưng vì cơm áo gạo tiền nên không có lựa chọn khác. Thực tình cũng chỉ mong kiếm được chút vốn để chuyển công việc khác chứ giờ không có vốn thì tôi cũng đâu biết làm gì”.

Một xe tự chế ba bánh trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) chở nhiều cây sắt dài cồng kềnh. Ảnh: T.TRINH

Bài toán khó từ 10 năm trước

Câu chuyện về xe 3-4 bánh tự chế là một bài toán nan giải khi cách đây 10 năm, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên các quốc lộ thuộc địa bàn TP.

Và mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có ý kiến chỉ đạo quyết liệt hơn. Cụ thể: “Chủ tịch UBND 24 quận, huyện khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê số lượng, tình trạng sử dụng và các thông tin liên quan đến người sử dụng các loại phương tiện xe 3-4 bánh tự chế, xe bốn bánh có gắn động cơ (xe 50 TĐ) đang hoạt động trên địa bàn”

Đồng thời, các quận, huyện phải thống kê các thông tin liên quan đến điều kiện kinh tế hộ gia đình sử dụng các phương tiện nói trên. Xác định các hộ này có đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định năm 2009 hay không; báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống...

Ông Hoan cũng giao Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp với Công an TP đưa ra đánh giá tác động của các loại xe tự chế ba, bốn bánh đến tình hình giao thông TP hiện nay. Trong đó, Sở GTVT xác định chất lượng các xe tự chế, mức độ đáp ứng an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường... làm căn cứ đề xuất UBND TP hình thức xử lý.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, cho biết: Trước đây Sở có báo cáo về vấn đề này và sẽ rà soát báo cáo lại trong thời gian tới khi có yêu cầu từ UBND TP.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP.HCM, cho hay: “Theo chỉ đạo của UBND TP, các ban, ngành, quận, huyện đang đánh giá lại việc chuyển đổi nghề, tình hình hoạt động xe 3-4 bánh tự chế trên địa bàn và vẫn chưa có kết quả cuối cùng về công tác này. Chúng tôi vẫn đang thực hiện.”

Theo ông Phúc, việc hạn chế xe 3-4 bánh tự chế đã là chủ trương từ năm 2009 và từ đó đến nay TP cũng chỉ đạo không phát triển mới các loại xe này. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất như các nơi làm sắt - làm thùng xe để gắn thêm và yêu cầu ngưng ngay (nếu có).

“Thực trạng có thể thấy bây giờ các loại xe được chế theo kiểu tự kéo, tự đẩy 3-4 bánh đang được người bán hàng rong sử dụng để buôn bán, lấn chiếm lòng đường cũng đang phát sinh. Ngoài ra, các quận, huyện vùng ven như 12, Hóc Môn cũng ra sức kiểm soát các loại xe này vì chở hàng cồng kềnh rất nhiều trên quốc lộ” - ông Phúc thông tin.

Còn với xe 50 TĐ (xe bốn bánh có gắn động cơ, sản xuất từ năm 2009 theo đề án được Chính phủ phê duyệt nhằm thay thế xe thô sơ, xe ba gác) đang được thí điểm, theo ông Phúc hiện chưa có một đánh giá toàn diện nào về việc thí điểm loại xe này. Việc này cũng đã được ủy ban giao cho các quận, huyện rà soát, đánh giá lại và sẽ có báo cáo trong thời gian tới.

Về vấn đề trên, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho hay: Đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như Công an TP, Ban ATGT TP, Thanh tra Sở GTVT, các trung tâm đăng kiểm đánh giá, xác định các bất cập về phương tiện 50 TĐ như chất lượng xe, mức độ đáp ứng điều kiện an toàn giao thông… và đề xuất các giải pháp xử lý gửi về sở trước ngày 25-10.

Báo cáo gần nhất của UBND TP.HCM về xe 3-4 bánh tự chế cho thấy: Đến thời điểm đầu năm nay, TP có gần 2.167 xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký cấp biển số; hơn 30.000 xe ba, bốn bánh thô sơ tự chế không động cơ (xích lô, ba gác đạp, xe đẩy tay...) và có động cơ.

Cho đến đầu năm nay, TP đã thanh lý tiêu hủy gần 28.100 xe 3-4 bánh tự chế; tổng số tiền hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề - phương tiện lên đến gần 158 tỉ đồng. Từ năm 2017 đến hết năm 2018, địa bàn TP xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe cơ giới ba bánh, chiếm tỉ lệ 1,6% số vụ tai nạn, làm 21 người chết và năm người bị thương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới