Nạn móc túi sinh viên trên xe buýt quay lại

(PLO)- Từ đầu năm học mới, hàng loạt tân sinh viên của các trường ĐH đã bị kẻ trộm móc túi lấy nhiều tài sản khi đi xe buýt đến trường.

Thời điểm đầu tháng 9, đa số sinh viên (SV) các trường ĐH bắt đầu đi học lại, cùng với một bộ phận không nhỏ SV mới nhập học nên nhu cầu di chuyển bằng xe buýt tăng cao. Lợi dụng điều này, các nhóm móc túi trên xe buýt hoạt động trở lại.

Các hội nhóm mạng xã hội dành cho SV liên tục đăng các bài cảnh báo, phản ánh tình trạng móc túi trên xe buýt. Thậm chí có SV còn ghi lại hình ảnh móc túi ra tay, có người còn bị đe dọa khi phát giác sự việc.

Lợi dụng đông người, chen lấn để móc túi

Trên các tuyến xe buýt qua nhiều trường ĐH thường có SV lên xuống tại các trạm, do đông đúc nên nhiều SV trở thành nạn nhân của bọn móc túi.

Phạm Thị Ngọc N (SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết em đã bị móc túi và mất điện thoại khi xuống trạm ký túc xá khu A ĐH Quốc gia. “Lúc xuống xe có khá đông SV cùng xuống trạm nên nhiều người chen lấn ở cửa. Em mang ba lô phía sau nên bị kéo khóa lấy mất điện thoại. Xuống xe rồi mới phát hiện bị móc túi nhưng không biết ai là thủ phạm” - em N kể lại.

Tương tự, Nguyễn Thị Kiều Tr (SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) bị chen lấn, xô đẩy vào thời điểm xuống xe và bị lấy điện thoại. Em Tr cho hay kẻ gian móc túi có nhiều người cùng nhau ra tay, có người áp sát xô đẩy để người khác mở ba lô lấy tài sản. “Lúc tôi đứng trên xe có đông người cũng đứng. Sau đó thấy ba lô trở nên nặng hơn, quay lại nhìn không thấy gì thì nghĩ rằng do chen lấn. Tuy nhiên, xuống xe thì phát hiện mất chiếc điện thoại gia đình mới mua cho” - em Tr nhớ lại.

w-Hình_chinh-P5_Chính_hongtham_nguyenyen_2h.jpg
Nhiều sinh viên đi xe buýt thường mang ba lô phía sau tạo điều kiện cho nhóm móc túi ra tay.
Ảnh: HỒNG THẮM

Anh Nguyễn Hoài Phương (35 tuổi, tài xế xe buýt) cho biết tình trạng móc túi trên xe buýt đã diễn ra từ lâu nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Trên thực tế, nhóm móc túi thực hiện hành vi rất tinh vi, nhanh lẹ nên rất khó phát hiện. Dù các xe buýt đều có trang bị camera nhưng nếu không bắt quả tang thì dù trích xuất hình ảnh vẫn khó để lực lượng chức năng bắt giữ.

“Các bạn SV cần trông coi tài sản, mang ba lô phía trước ngực, điện thoại để trong túi quần áo thì phải kè tay theo, cẩn thận khi xuống và lên xe, lúc xe đông đúc để tránh bị móc túi” - tài xế này hướng dẫn.

Hành khách nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho hay từ đầu năm đến nay, trung tâm đã ghi nhận một số trường hợp hành khách thông báo mất tài sản khi đi lại bằng xe buýt và có văn bản chuyển Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) theo dõi, điều tra.

Ông Hoàn cho biết thêm nhờ việc phối hợp với Phòng PC02 đã bắt giữ được một nhóm móc túi trên xe buýt.

w-Hinh_phu-P5_Chính_hongtham_nguyenyen_2h.jpg
Nhóm móc túi hành khách đi xe buýt ở Suối Tiên đã bị bắt giữ năm 2019 sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Ảnh: PLO

Theo ông Hoàn, trường hợp không may bị móc túi, hành khách cần báo ngay cho tài xế, nhân viên phục vụ trên xe để hỗ trợ tìm kiếm tài sản. Nếu chưa tìm thấy tài sản bị mất, hành khách cần phản ánh về tổng đài 1022 để ghi nhận sự việc, phối hợp tìm kiếm.

Bên cạnh đó, ông Hoàn khuyến cáo hành khách khi đi xe buýt phải tự bảo vệ tài sản như đeo ba lô trước ngực; ba lô, giỏ xách được khóa kỹ càng, không chen lấn, ăn mặc kín đáo…

Đồng thời, mạnh dạn hô to khi phát hiện kẻ gian thực hiện hành vi vi phạm để tài xế, nhân viên phục vụ và hành khách hỗ trợ kịp thời.

Nhiều biện pháp tuyên truyền chống móc túi

Trong quy chế phối hợp giữa Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM và Phòng PC02, nhiều biện pháp chống móc túi được hướng dẫn cho hành khách.

Cụ thể, tuyên truyền các biện pháp nhận biết trộm cắp, móc túi, ứng phó xử lý tình huống theo đúng quy định cho đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ, tăng cường công tác kiểm tra trên tuyến, trích xuất dữ liệu camera cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm